Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp

09:07, 06/07/2020

Mỗi người một điểm xuất phát, một ngành nghề, song họ đều có chung một khát vọng: khát vọng vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp, đóng góp sức trẻ vào sự phồn vinh của đất nước...

Mỗi người một điểm xuất phát, một ngành nghề, đến từ những vùng miền khác nhau của Tổ quốc, song điểm chung của 63 người thợ trẻ giỏi được tuyên dương tại Liên hoan Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ XI diễn ra tối 5-7 tại Đồng Nai là đều có chung một khát vọng: khát vọng vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp, đóng góp sức trẻ vào sự phồn vinh của đất nước.

Anh Dương Phước Vinh (bìa phải), kỹ thuật viên Công ty TNHH Changshin Việt Nam - một trong 4 đại biểu của Đồng Nai được tuyên dương Người thợ trẻ giỏi - trong giờ làm việc. Ảnh: N.Tuyết
Anh Dương Phước Vinh (bìa phải), kỹ thuật viên Công ty TNHH Changshin Việt Nam - một trong 4 đại biểu của Đồng Nai được tuyên dương Người thợ trẻ giỏi - trong giờ làm việc. Ảnh: N.Tuyết

Hầu hết những người thợ trẻ giỏi đều đã phát huy sức trẻ trong đề xuất những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật gắn với thực tiễn lao động, sản xuất góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, của đất nước nói chung.

* Luôn sáng tạo trong công việc

7 năm gắn bó với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), anh Bùi Quốc Lợi, kỹ thuật viên của công ty đã đóng góp rất nhiều ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, năm 2019, anh Lợi đã cho ra đời sáng kiến thiết kế băng tải tròn kết nối giữa máy rửa và máy sấy, làm lợi cho doanh nghiệp khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Anh Lợi chia sẻ, trước đây máy rửa và máy sấy độc lập với nhau. Muốn chuyển đế giày sau khi rửa qua máy sấy cần có 2 người. Anh Lợi tiến hành thiết kế một băng tải tròn kết nối giữa máy rửa và máy sấy. Vật tư để làm nên băng tải tròn đều được tận dụng lại từ kho phế liệu. Sau khi băng tải tròn được đưa vào sử dụng đã giúp giảm bớt 1 nhân công, máy rửa và máy sấy vận hành liên tục nên năng suất tăng nhiều hơn so với trước.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2020 là năm thứ 11 Trung ương Đoàn tổ chức giải thưởng Người thợ trẻ giỏi. Trong số 92 hồ sơ gửi về, Trung ương Đoàn đã sàng lọc và chọn 63 hồ sơ tiêu biểu nhất để xét tuyên dương. Đây đều là những thanh niên công nhân tiêu biểu có những sáng kiến làm lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp hoặc học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện.

Với lợi thế tốt nghiệp ngành điện tử - viễn thông, Khoa Điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng và 3 lần tham gia cuộc thi robocon nên trước sáng kiến băng tải tròn, anh Lợi còn là tác giả của hệ thống gắp đế, đẩy đế giày tự động cho xe vận chuyển đế tự động đang được sử dụng tại nhà máy. Anh Lợi cho biết, sau khi trang bị hệ thống gắp và đẩy đã giúp nhà máy giảm được 1 lao động đứng bốc đế từ băng tải xử lý đế lên xe tự động và bốc đế từ xe tự động lên băng tải ghép đế và mặt giày, đặc biệt là các băng tải có thể vận hành liên tục chứ không phải dừng tạm thời khi đế bị ùn ứ như trước.

Hầu hết các đại biểu tham dự Liên hoan Người thợ trẻ giỏi toàn quốc và được Trung ương Đoàn TNCSHCM tuyên dương lần này đều là những cá nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Là đại biểu đến từ mảnh đất Cao Bằng xa xôi, anh Lăng Văn Thượng, kỹ thuật viên phân xưởng Công ty CP Mía đường Cao Bằng đã tạo dấu ấn trong quá trình lao động bằng giải pháp cải tạo tháp xông, nâng cao cường độ xông khí Sunfurơ (SO2), làm lợi cho công ty trên 36 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về sáng kiến này, anh Thượng cho hay, trong quá trình làm việc tại phân xưởng anh nhận thấy công suất ép mía của công ty ngày một tăng lên nhưng hệ thống làm sạch nước mía sau khi ép lại không đáp ứng được yêu cầu làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng đường kính. Từ đó, anh Thượng mạnh dạn đề xuất ý tưởng cải tạo tháp xông và ngay lập tức được lãnh đạo công ty đồng ý. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, giải pháp mà anh đưa ra hoàn thiện và đưa vào thực tiễn sản xuất.

5 năm đóng góp cho doanh nghiệp 9 giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (trong đó có 3 giải pháp được Tổng công ty Điện lực miền Nam công nhận) là thành tích mà chị Võ Thị Phương Mai, Công ty Điện lực Ninh Thuận (tỉnh Ninh Thuận) đã đạt được. Tốt nghiệp ngành hệ thống điện Trường đại học Bách khoa TP.HCM, chị về công tác tại Công ty Điện lực Ninh Thuận. Ban đầu, chị được giao nhiệm vụ làm văn thư, quản trị văn phòng, sau này mới được phân công phụ trách công tác an toàn, bảo hộ lao động tại đơn vị. Từ đây, chị bắt đầu có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần tạo ra môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Trong đó, có thể kể đến là sáng kiến dùng mã QR (Quick Response) tạo nhãn sử dụng trong công tác quản lý trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sáng kiến xây dựng video hướng dẫn phương pháp cấp cứu hồi sinh tổng hợp; sáng kiến bộ mặt nạ che bảo vệ mặt kết hợp nón nhựa an toàn cách điện...

* Ghi dấu ấn trong các cuộc thi tay nghề

Bên cạnh những người thợ trẻ giỏi đến từ các doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang với bề dày giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Liên hoan Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần này có sự góp mặt của các đại biểu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã có những thành tích tiêu biểu trong các cuộc thi tay nghề quốc tế.

Đại biểu là thanh niên công nhân trao đổi tại chương trình đối thoại với thanh niên công nhân. Ảnh: N.Tuyết
Đại biểu là thanh niên công nhân trao đổi tại chương trình đối thoại với thanh niên công nhân. Ảnh: N.Tuyết

Trong đó, Trương Thế Diệu đến từ Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso Việt Nam, thuộc Công ty TNHH Denso Việt Nam (Hà Nội) là đại biểu tiêu biểu nhất trong nhóm sinh viên được tuyên dương tại Liên hoan Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần này. Bởi anh Diệu đã vượt qua đại diện 31 quốc gia giành huy chương bạc môn nghề phay CNC tại Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 45-2019 được tổ chức tại Nga.

Anh Trương Thế Diệu cho hay, từ khi còn là học sinh lớp 11, anh đã rất thích thú với các bản vẽ của môn công nghệ. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, anh trúng tuyển vào ngành cắt gọt kim loại, Khoa cơ khí Trường cao đẳng Nghề Bách Khoa (Hà Nội). Năm 2016, khi đang học năm 2, anh biết được thông tin Công ty TNHH Denso Việt Nam - doanh nghiệp liên kết với Trường cao đẳng Nghề Bách Khoa đang cần tìm ứng viên cho Cuộc thi tay nghề thế giới năm 2019 ở môn nghề phay CNC và anh không ngần ngại đăng ký với mục đích là để thử sức.

Sau vòng sơ tuyển, Diệu là một trong 10 ứng viên có kết quả tốt nhất trong số hơn 100 người ứng tuyển và tiếp tục được đào tạo tại Viện Kỹ năng nghề Denso Việt Nam. Sau 3 năm đào tạo, trải qua các vòng thi khác nhau, Diệu trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia thi môn nghề phay CNC và đoạt huy chương bạc. Hiện tại, Trương Thế Diệu đã quay trở lại với việc học tại Trường cao đẳng Nghề Bách Khoa sau 3 năm bảo lưu và là một trong những thành viên tham gia đào tạo cho các ứng viên chuẩn bị cho các cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 46 diễn ra vào năm 2021.

Trước khi đạt được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 45-2019, anh Trần Văn Phúc, sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM đã từng đoạt giải nhất kỳ thi tay nghề quốc gia, kỳ thi tay nghề do Bộ Công thương tổ chức, giành huy chương đồng kỳ thi tay nghề ASEAN được tổ chức tại Thái Lan...

Không chỉ được thầy cô, bạn bè biết đến với những thành tích đạt được tại các cuộc thi tay nghề trong và ngoài nước mà anh Phúc còn được biết đến là một người đam mê nghiên cứu khoa học. Anh Phúc phối hợp với một sinh viên khóa dưới nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị giúp cho người sống thực vật giao tiếp bằng đôi mắt.

Chia sẻ về ý tưởng của đề tài này, anh Phúc cho biết qua tìm hiểu về cuộc sống của những bệnh nhân không may rơi vào tình trạng sống thực vật và nhận thấy họ rất khó chịu khi không thể giao tiếp, không thể cử động. Trong khi đó, những người chăm sóc bệnh nhân cũng gặp khó khăn khi không thể đoán được người bệnh muốn gì để đáp ứng. Vì vậy, anh đã quyết tâm nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị giúp bệnh nhân sống thực vật có thể giao tiếp qua đôi mắt một cách dễ dàng hơn.

Với những thành tích đã đạt được trong học tập, nghiên cứu, trong các cuộc thi tay nghề trong và ngoài nước, anh Trương Thế Diệu hay anh Trần Văn Phúc đều đang trở thành những người truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên nói chung, học viên các cơ sở đào tạo nghề nói riêng.

Nguyễn Tuyết


Đại biểu Nguyễn Văn Hưng, sinh viên Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội: Nhận thức được khả năng, niềm đam mê của mình

Sáng tạo luôn là một phẩm chất đặc trưng của thanh niên, nơi nào có thanh niên, nơi đó có hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên trong thực tiễn cho thấy, không phải thanh niên nào cũng sáng tạo. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân đầu tiên theo tôi nhận thấy chính là do bản thân chưa thực sự hiểu về mình có khả năng gì, đam mê gì và mong muốn gì...

Bản thân tôi từng thi đỗ vào khoa công nghệ của một trường đại học lớn ở Hà Nội, song tôi lại chọn học nghề, bởi tôi nhận thức được khả năng, niềm đam mê và nhu cầu của bản thân. Học nghề, thành công có thể đến với tôi chậm hơn so với học đại học, song cái tôi có được là kỹ năng thực hành, có khả năng làm việc với các thiết bị máy móc cụ thể. Vì vậy, từ ngày khoác lên mình chiếc áo trường nghề đến nay, tôi luôn được cháy hết mình với đam mê. Chính điều này đã giúp tôi có được những thành tích đáng kể - đạt được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019. Vì vậy, việc nhận thức đúng khả năng, đam mê của chính mình rất quan trọng. Việc này không ai có thể làm thay ngoài bản thân mình.

Đại biểu Lê Tuấn Anh, cố vấn dịch vụ Xí nghiệp Dịch vụ ô tô Isuzu An Lạc, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (TP.HCM): Đoàn hãy đồng hành, thúc đẩy thanh niên sáng tạo

Trước khi là cố vấn dịch vụ Xí nghiệp Dịch vụ ô tô Isuzu An Lạc, bản thân tôi cũng đã từng làm thợ sửa xe và tôi nhận thấy nếu trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, bản thân trải qua những khó khăn trong quá trình lao động, công nhân sẽ có ý tưởng sáng tạo nhằm giúp quá trình làm việc thuận tiện hơn. Lực lượng thanh niên công nhân trực tiếp lao động sản xuất chiếm tỷ lệ đa số, nhưng trong thực tế, số lượng ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ lực lượng này chưa nhiều. Nguyên nhân là bởi, công nhân có ý tưởng sáng tạo nhưng ngại viết sáng kiến hoặc muốn viết nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, viết như thế nào để lãnh đạo hiểu được ý tưởng của mình.

Trong khi đó, tổ chức Đoàn trước nay chủ yếu là hoạt động phong trào, vai trò đồng hành, hỗ trợ của Đoàn đối với thanh niên trong quá trình sáng tạo còn khá hạn chế. Vì vậy, tôi cho rằng, để khuyến khích đoàn viên, thanh niên sáng tạo, tổ chức Đoàn cần làm tốt vai trò đồng hành, thúc đẩy thanh niên sáng tạo. Vai trò đồng hành mà tôi muốn nhắc đến chính là hỗ trợ đoàn viên, thanh niên viết sáng kiến cho đúng với quy định của đơn vị, doanh nghiệp; tham gia góp ý để hoàn thiện ý tưởng của đoàn viên, thanh niên... Có như vậy, đoàn viên, thanh niên mới mạnh dạn đề xuất ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật...

Đại biểu Võ Ngọc Thiện, Phó trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật điện lực Phú Quý, Công ty Điện lực Bình Thuận: Cần công nhận và khen thưởng kịp thời

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động nhằm tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên sáng tạo, theo tôi việc công nhận và khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong thanh niên.

Đối với tổ chức Đoàn, động viên, khuyến khích đoàn viên thanh niên về mặt vật chất là rất khó khăn. Để làm được điều này, theo tôi, tổ chức Đoàn trong các cơ quan, đơn vị ngoài động viên, khuyến khích về mặt tinh thần, cần tích cực tham mưu, đề xuất và phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp cùng thực hiện. Muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp không có cách nào khác là làm cho chủ doanh nghiệp, lãnh đạo đơn vị thấy được giá trị kinh tế mà họ được thụ hưởng thông qua các giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã và đang được triển khai thực hiện tại đơn vị, doanh nghiệp hoặc đơn vị, doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên cần tuyên truyền giúp đoàn viên, thanh niên hiểu được lợi ích mà mình có được từ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở góc độ thu nhập, giá trị bản thân, khả năng thăng tiến...         

  Nga Sơn (ghi)


 

Tin xem nhiều