Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về cách ly xã hội

08:04, 09/04/2020

Chiều 9-4, sau 10 ngày cả nước thực hiện Chỉ thị số 16, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thảo luận các biện pháp tăng cường chấp hành nghiêm chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Chiều 9-4, sau 10 ngày cả nước thực hiện Chỉ thị số 16, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thảo luận các biện pháp tăng cường chấp hành nghiêm chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 9-4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 9-4

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tình hình chung của thế giới với khoảng 4 tỷ người đang thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Nhiều quốc gia có những biện pháp nghiêm ngặt để xử lý các hành vi vi phạm.

Thủ tướng nhận xét, thời gian qua, do thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16 nên đã đem lại những kết quả ban đầu, kiểm soát tốt tốc độ lây lan nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn nhiều do đó quan điểm là “không được lơ là, mất cảnh giác” mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 bởi “nỗi lo vẫn còn đó”. “Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm” - Thủ tướng chỉ đạo và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “không lơ là mất cảnh giác, chủ quan với dịch bệnh Covid-19”.

 Định hướng các giải pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, việc kiên định đường lối “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” theo từng thời điểm; có thể thay đổi phương thức ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Về ngăn chặn nguồn xâm nhập từ bên ngoài, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục kiểm soát chặt khu vực biên giới; hạn chế, không cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ trường hợp bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa; tiếp tục khuyến cáo công dân các nước không về nước trước ngày 15-4-2020. Đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ công dân phù hợp. Bộ Y tế tăng cường các hình thức khám, chữa bệnh trực tuyến. Các địa phương cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với những biện pháp mạnh mẽ. Đảm bảo huyết mạch hàng hóa lưu thông thông suốt nhưng cần kiểm soát chặt chẽ con người.

Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là công an, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về cách ly toàn xã hội như: không đeo khẩu trang nơi công cộng, không đứng cách xa người khác trong phạm vi 2m, ra đường trong trường hợp không cần thiết…

Thủ tướng cho biết, thời điểm hết cách ly toàn xã hội sẽ thông báo sau trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực tế của các bộ, ngành liên quan sau ngày 15-4.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần nghiên cứu, rút ra những bài học thành công trong giai đoạn 1; lực lượng quân đội và các địa phương chuẩn bị sẵn các địa điểm tiến hành cách ly, kịch bản điều hành khu cách ly; tiếp tục huấn luyện cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn để tránh bị động khi tình huống xảy ra.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch. Khuyến nghị người dân tăng cường tự khai báo y tế. Các cấp, đặc biệt là ngành Y tế, tiếp tục phát hiện ca bệnh, tăng cường năng lực xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ với chiến lược phù hợp; không chủ quan trong phán đoán mà cần phát hiện ngay trong cộng đồng để dập dịch kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu phác đồ điều trị mới nhất, hiệu quả nhất; tập trung huấn luyện chuyên môn cho các tuyến; tập huấn sử dụng máy thở; đảm bảo đầy đủ thuốc men; phòng ngừa dịch xảy ra trên diện rộng; trước mắt tạm dừng xuất khẩu thuốc điều trị Covid-19; có cơ số nhập khẩu cần thiết dược phẩm chuyên sâu để phục vụ công tác điều trị.

Đi liền với đó là tiếp tục thực hiện phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế; chú trọng hơn nữa việc phòng ngừa lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế, rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai; bảo vệ sức khỏe đội ngũ làm nhiệm vụ “trực tiếp chiến đấu” này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị dụng cụ y tế, coi đây là thời cơ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất này; kể cả sản xuất máy thở một cách chủ động hơn, hình thành một ngành sản xuất máy thở tại Việt Nam bên cạnh sinh phẩm chẩn đoán bệnh. Cùng với đó là mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế về sản xuất trang thiết bị y tế...

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 9-4 đã có thêm 4 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 255 trường hợp. Trong đó, có 158 người từ nước ngoài (chiếm 62,2%), 97 người lây nhiễm thứ phát.

TTXVN

Tin xem nhiều