Thời gian qua, công tác bồi dưỡng, tạo nguồn trung kiên để phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cấp ủy các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Thời gian qua, công tác bồi dưỡng, tạo nguồn trung kiên để phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cấp ủy các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (thứ 3 từ phải qua) trao đổi với đảng viên các dân tộc tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần III-2019. Ảnh: N.Trinh |
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, năm 2019 toàn tỉnh kết nạp mới được 115 đảng viên là người DTTS (đạt 2,85% so với tổng số đảng viên được kết nạp mới trong năm), nâng tổng số đảng viên là người DTTS trong toàn Đảng bộ tỉnh là 1.503/82.674 đồng chí.
* Phát huy vai trò người có uy tín
Ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang (TP. Long Khánh) là địa phương có gần 100% đồng bào DTTS. Đến nay, chi bộ ấp có 23 đảng viên đều là những người có uy tín, phát huy được vai trò trong cộng đồng dân tộc.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lác Chiếu Vi Kim Cường cho hay, xác định công tác phát triển Đảng trong đồng bào DTTS là một nhiệm vụ trọng tâm, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Đảng ủy xã, chi bộ ấp đã quyết tâm đẩy mạnh công tác này bằng chính các phong trào thi đua thu hút sự tham gia của đông đảo bà con như: tiết kiệm nuôi heo đất san sẻ yêu thương, cộng đồng các DTTS tiếp sức học sinh đến trường...
“Thông qua các phong trào thi đua này, những đảng viên là người DTTS, có uy tín gương mẫu thực hiện trước nên đã thu hút được đông đảo đồng bào hưởng ứng. Nhiều người có uy tín đã phát huy được năng lực, khả năng vận động, được đồng bào tin tưởng, cấp ủy, chính quyền ghi nhận và bồi dưỡng kết nạp Đảng... Chính vì vậy mà từ 9 đảng viên ở đầu nhiệm kỳ, đến nay chúng tôi đã phát triển được 23 đảng viên” - đồng chí Vi Kim Cường nói.
Tương tự, Đảng bộ xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) thời gian qua đã phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ người uy tín trong cộng đồng DTTS để lựa chọn nguồn phát triển đảng viên. Đồng chí Mạc Thị Hồng Nhung, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho hay, Đảng bộ xã hiện có 14 đảng viên là người DTTS. Năm 2019, các đảng viên DTTS đã phát huy vai trò, uy tín trong cộng đồng, góp phần để Đảng bộ xã Xuân Trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Huyện ủy Xuân Lộc khen thưởng.
Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) Nguyễn Thị Nga khẳng định, việc phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS đóng vai trò quan trọng trong công tác phát triển Đảng, bởi họ chính là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Cụ thể, như ở Chi bộ ấp Lý Lịch 1 trong nhiệm kỳ qua đã phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp mới được 12 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn chi bộ hiện nay lên 42 người. Tất cả đều là đồng bào DTTS.
* Quan tâm đời sống vùng đồng bào DTTS
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Tấn Phước cho hay, để phát triển đảng viên mới nói chung, nhất là đảng viên vùng DTTS, phải có nhiều chính sách nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS. “Sở dĩ Chi bộ ấp Lý Lịch 1 thuộc Đảng bộ xã Phú Lý duy trì hoạt động tốt, phát triển được đảng viên là nhờ tập trung rất nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ một xã với hơn 40% hộ nghèo đầu năm 2010, đến nay đã vươn lên thoát nghèo (chỉ còn 0,6% hộ nghèo theo chuẩn mới), trở thành xã nông thôn mới nâng cao; không còn hộ nghèo A trong đồng bào dân tộc tại xã” - đồng chí Nguyễn Tấn Phước nhấn mạnh.
Không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu, tỉnh còn quan tâm tìm nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo. Trong đó, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo xã Gia Canh (H.Định Quán) và 2 đề án hỗ trợ 48 hộ đồng bào dân tộc Chơro xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và đồng bào Châu Mạ, S’Tiêng xã Tà Lài (H.Tân Phú) nuôi dê thoát nghèo đang phát huy hiệu quả.
Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho hay, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 2,5 ngàn hộ đồng bào DTTS được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn tự tạo việc làm, đầu tư vào sản xuất với số tiền hơn 85 tỷ đồng. Nhiều hộ vừa hoàn trả được vốn, vừa từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, từ đó quan tâm đến công tác xã hội của địa phương như tham gia các tổ chức chính trị - xã hội từ ấp trở lên.
Cũng nhờ việc quan tâm chăm lo tốt cuộc sống người dân nên trong tổng số gần 40 ngàn hộ DTTS của tỉnh, số hộ nghèo diện DTTS hiện giảm chỉ còn khoảng 800 hộ, giảm hơn 2/3 so với đầu năm 2016. Một vấn đề được quan tâm và là giải pháp thúc đẩy công tác phát triển Đảng trong đồng bào DTTS chính là việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giúp họ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Trưởng phòng Dân tộc H.Định Quán Phạm Hoàn cho hay, trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, đã có 4 nhà văn hóa dân tộc được xây dựng; 100% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng... giúp đồng bào các DTTS có điều kiện sinh hoạt văn hóa, lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa.
“Các lễ hội của đồng bào dân tộc như: Sayangva (dân tộc Chơro), Yangbơnơm, Yangcoi (đồng bào Châu Mạ), lễ hội Tả phán (đồng bào Hoa), lễ hội Lồng tồng của người Tày - Nùng... được những người uy tín, đảng viên và cấp ủy, chính quyền tổ chức, giúp lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống nên đồng bào rất vui mừng, phấn khởi. Từ đó hăng hái, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Đây là điều kiện để cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới cho công tác phát triển Đảng” - Trưởng phòng Dân tộc H.Định Quán Phạm Hoàn nhấn mạnh.
Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS. Theo đó, đã có trên 250 ngàn thẻ BHYT được cấp phát cho đồng bào DTTS với số tiền hơn 92 tỷ đồng. Hằng tháng, tỉnh đều hỗ trợ kinh phí bằng 50% mức lương cơ bản cho 232 người uy tín trong đồng bào các DTTS; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia vào cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ ấp trở lên hiện đạt gần 27,5%. |
Nguyệt Trinh