Chiều 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của 18 tỉnh, thành
Chiều 10-1, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của 18 tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì và phát biểu bế mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Tại tỉnh Bình Dương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các thành phố Dĩ An, Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc các thị xã Dĩ An Thuận An; thành lập 4 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã thuộc thị xã Tân Uyên.
Tại tỉnh Cao Bằng, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 76 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính của tỉnh Cao Bằng giảm từ 13 xuống còn 12 đơn vị; số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 199 đơn vị xuống còn 161 đơn vị.
Tỉnh Gia Lai sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai giảm từ 222 đơn vị xuống còn 220 đơn vị.
Tỉnh Hậu Giang sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập phường Hiệp Lợi trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hiệp Lợi thuộc thị xã Ngã Bảy; thành lập thành phố Ngã Bảy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của thị xã Ngã Bảy.
Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hậu Giang giảm từ 76 đơn vị xuống còn 75 đơn vị.
Quang cảnh Phiên bế mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Tỉnh Lai Châu sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 4 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu giảm từ 108 đơn vị xuống còn 106 đơn vị, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện không thay đổi.
Tại tỉnh Tiền Giang, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tiền Giang giảm từ 173 đơn vị xuống còn 172 đơn vị.
Tại tỉnh Tây Ninh, thành lập thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của huyện Hòa Thành, huyện Trảng Bàng; thành lập xã Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Bình Thạnh với xã Phước Lưu của thị xã Trảng Bàng. Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh giảm từ 95 đơn vị xuống còn 94 đơn vị.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 17 đơn vị hành chính cấp xã; giải thể 3 xã của huyện đảo Lý Sơn; thành lập thị xã Đức Phổ và các phường thuộc thị xã Đức Phổ.
Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ngãi giảm từ 14 đơn vị hành chính cấp huyện xuống còn 13 đơn vị, giảm 184 đơn vị hành chính cấp xã còn 173 đơn vị.
Tại tỉnh Yên Bái, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 14 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập thị trấn Sơn Thịnh thuộc huyện Văn Chấn. Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Yên Bái giảm từ 180 đơn vị xuống còn 173 đơn vị.
Tại tỉnh Bắc Cạn, sắp xếp 30 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Cạn giảm từ 122 đơn vị xuống còn 108 đơn vị.
Tại tỉnh Bến Tre, sắp xếp 13 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Bến Tre giảm từ 164 đơn vị hành chính cấp xã còn 157 đơn vị.
Tại thành phố Hải Phòng, sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Hải Phòng có 217 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 6 đơn vị.
Nam Định sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Nam Định giảm từ 229 đơn vị hành chính cấp xã còn 226 đơn vị.
Tại Ninh Bình, sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Ninh Bình còn 143 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 2 đơn vị.
Quảng Nam sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hương An. Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam giảm từ 244 đơn vị xuống còn 241 đơn vị.
Tại Quảng Bình, sắp xếp 16 đơn vị, thành lập thị trấn Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Sơn Trạch. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình giảm từ 159 xuống còn 151 đơn vị.
Tỉnh Vĩnh Long sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập thị trấn Tân Quới trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Quới thuộc huyện Bình Tân; thành lập các phường Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội thuộc thành phố Vĩnh Long. Sau sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long có 107 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 2 đơn vị.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập các thị trấn Hợp Châu, Đại Đình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hợp Châu, Đại Đình thuộc huyện Tam Đảo; thành lập các thị trấn Bá Hiến, Đạo Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Bá Hiến, Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên.
Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Vĩnh Phúc còn 136 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 1 đơn vị.
Như vậy, đây là lần thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính thuộc một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Với 6 tỉnh thành còn lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu để có thể trình ra tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 2/2020 để có thể dứt điểm đợt sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.
Sau khi quyết định nội dung sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính thuộc 18 tỉnh, thành phố trong cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 41./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)