Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở trung tâm bồi dưỡng chính trị và các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, hằng năm tỉnh đều tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở trung tâm bồi dưỡng chính trị và các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, hằng năm tỉnh đều tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi.
Thí sinh Trương Thị Ngọc Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Vĩnh Cửu đoạt giải nhất tại hội thi. Ảnh: P.Hằng |
Năm nay, Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đã thu hút 13 thí sinh là giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và giảng viên kiêm chức các Đảng bộ trực thuộc tỉnh tham gia.
* Cơ hội để học hỏi, giao lưu kinh nghiệm
Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi là dịp để cán bộ, giảng viên lý luận chính trị trong tỉnh có điều kiện, cơ hội tiếp tục khẳng định năng lực, trình độ, góp phần tuyên truyền sâu rộng nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đây cũng là cơ hội để các giảng viên tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật các kiến thức mới về quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác giảng dạy lý luận chính trị, gắn giữa lý luận chính trị với thực tiễn của đời sống xã hội. Hội thi còn khích lệ, động viên cán bộ, giảng viên lý luận chính trị trong việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy để hoạt động giảng dạy, học tập lý luận chính trị ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nghĩa, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm nay, các thí sinh tập trung vào nội dung thi là chương trình học tập lý luận chính trị dành cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng; chương trình bồi dưỡng đảng viên mới; chương trình bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; các chương trình lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn thể; chương trình sơ cấp lý luận chính trị...
Ngoài ra, Ban tổ chức hội thi đã khuyến khích các bài thi với chủ đề về lịch sử Đảng để hướng tới chào mừng kỷ niệm 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các bài thi có lồng ghép các vấn đề thực tiễn của đất nước, của tỉnh và địa phương, đồng thời chú trọng cập nhật việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề năm 2019 Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
* Giúp bài giảng được hoàn thiện hơn
Chia sẻ về hội thi, thí sinh Vy Hoài Vũ, Bí thư Đoàn Khối, giảng viên kiêm chức Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nói: “Tôi đến với hội thi không mang tâm lý của người đi thi mà quan trọng là để giao lưu, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng về công tác giảng dạy lý luận chính trị, đồng thời mong muốn nhận được sự đánh giá, góp ý của Ban giám khảo, của các thí sinh khác, từ đó giúp cho bài giảng của mình hoàn thiện hơn”.
Thí sinh Vy Hoài Vũ cho hay, để làm tốt công việc, giảng viên lý luận chính trị phải chịu khó học tập nghiên cứu tài liệu liên quan đến chỉ thị, nghị quyết của Đảng; cập nhật kịp thời quan điểm chỉ đạo của Đảng và tính thời sự của các vấn đề, như thế giảng viên mới có nhận định, đánh giá, đưa ra định hướng rõ ràng, cụ thể cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Theo đánh giá từ Ban giám khảo hội thi, các thí sinh tham gia hội thi năm nay đều có phương pháp sư phạm trong cách truyền đạt, biết khai thác và sử dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển tải hình ảnh minh họa, góp phần tạo ấn tượng, hiệu quả cho phần thi của mình. Hầu hết các thí sinh đã làm chủ được nội dung bài giảng, thoát ly đề cương, cách đặt vấn đề ngắn gọn, triển khai nội dung bài giảng logic. Nhiều thí sinh đã chú ý đến phương pháp giảng dạy tích cực, khơi dậy tư duy của học viên, kết hợp được nhuần nhuyễn giữa trình bày nội dung với phân tích nội dung. Thí sinh cũng khai thác bối cảnh trong dẫn chứng, minh họa để lôi cuốn người nghe... Hội thi đã thực sự là một diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ năng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, qua hội thi, một số thí sinh đã bộc lộ hạn chế như: chưa thoát ly được đề cương, còn nặng về phương pháp, phong cách trình bày chưa hấp dẫn...
Theo đồng chí Thái Bảo, giảng viên lý luận chính trị khi trình bày về một nội dung quan trọng hoặc điểm nhấn trong bài giảng phải phân tích, tạo tính tương tác với học viên. Hạn chế của một số thí sinh là chưa thực sự lấy học viên là trung tâm, dẫn đến việc giảng dạy lý luận chính trị còn khô khan, dễ gây nhàm chán.
Phương Hằng
Đồng chí Lưu Công Giang, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Quán, giảng viên kiêm chức
của Đảng bộ huyện Định Quán: Đi thi để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm
Là một giảng viên kiêm chức mới đứng lớp được hơn 1 năm, số lần giảng còn ít nên hội thi đã giúp tôi học hỏi kinh nghiệm của các giảng viên kiêm chức cùng những đồng nghiệp có quá trình giảng dạy lâu năm, nhận xét đánh giá của Ban giám khảo để làm phong phú thêm kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng về công tác giảng dạy lý luận chính trị. Từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình làm nhiệm vụ triển khai, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Giảng viên chuyên trách Nguyễn Thị Mai, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Xuân Lộc: “Truyền lửa” cho người học
Nhiều người cho rằng, công tác giảng dạy lý luận chính trị rất khó. Theo tôi, khó khi hiểu biết của giảng viên có giới hạn, còn nếu yêu thích với nghề thì đây là công việc thú vị.
Để làm tốt công tác giảng dạy lý luận chính trị, theo tôi phải luôn nghiên cứu để nắm vững các kiến thức cơ bản, đồng thời có sự thâm nhập thực tế cuộc sống để gắn giữa lý luận với thực tiễn, vận dụng thực tiễn cuộc sống vào bài giảng để người học dễ tiếp thu kiến thức, không nhàm chán. Trước mỗi bài giảng, mỗi đối tượng học, giảng viên cần tìm phương pháp phù hợp, có lòng say mê với công việc, khi đó mới “truyền lửa” được đến cho người học.
Tôi mong muốn, các cấp ủy cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị, nhất là ở cơ sở, tạo điều kiện để chúng tôi được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đi tham quan các mô hình thực tiễn để nâng cao hiểu biết, giúp cho bài giảng thêm sinh động và thuyết phục hơn.
Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Hóa: Đòi hỏi kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp
Giảng viên lý luận chính trị phải được đào tạo nền tảng lý luận chính trị vững chắc, thường xuyên cập nhật chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào bài giảng để phản ánh kịp thời các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Bên cạnh đó, giảng viên lý luận chính trị phải có kỹ năng, phương pháp phù hợp trong giảng dạy để có thể truyền đạt kiến thức tốt nhất cho học viên, giúp học viên dễ hiểu nhất, gần gũi nhất. Nếu giảng viên cứ nói “thao thao bất tuyệt” thì học viên khó hiểu bài.
Hiện nay đội ngũ giảng viên ở trung tâm bồi dưỡng chính trị rất mỏng, thường là giảng viên kiêm chức. Chính vì vậy, việc tổ chức các hội thi giảng viên lý luận chính trị là điều rất cần thiết, giúp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình giảng dạy.
Dương An (ghi)