Cách đây 63 năm (ngày 2-12-1956), các cựu tù chính trị nổi dậy phá khám Tân Hiệp (Nhà lao Tân Hiệp ngày nay) trở về với cách mạng đã trở thành sự kiện nổi bật, một chiến công lớn trong hành trình của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Cách đây 63 năm (ngày 2-12-1956), các cựu tù chính trị nổi dậy phá khám Tân Hiệp (Nhà lao Tân Hiệp ngày nay) trở về với cách mạng đã trở thành sự kiện nổi bật, một chiến công lớn trong hành trình của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Các cựu tù Nhà lao Tân Hiệp ở mọi miền đất nước dâng hương tượng đài dịp kỷ niệm 45 năm tưởng nhớ vụ thảm sát 18 nữ tù chính trị Nhà lao Tân Hiệp tháng 6-2019 |
Di tích Nhà lao Tân Hiệp ngày nay (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) trở thành biểu tượng, dấu son của khát vọng độc lập tự do; là nơi mà nhiều thế hệ cán bộ cựu tù, thế hệ trẻ về thắp hương, tưởng nhớ những người đã khuất và tiếp tục chiêm nghiệm lại hành trình ác liệt nhưng đầy tự hào của sự kiện lịch sử 63 năm về trước.
* Cuộc nổi dậy của những cựu tù chính trị
Theo hồ sơ và các tài liệu lịch sử, ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), phát xít Nhật đã cho xây dựng nơi đây một đồn nhỏ nhằm kiểm soát đoạn quốc lộ 1 qua Biên Hòa. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa, củng cố, mở rộng đồn, biến nơi đây thành trại giam của tỉnh Biên Hòa.
Hiệp định Genève được ký kết ngày 21-7-1954, ngay lập tức, đế quốc Mỹ thay chân Pháp, cải tạo đồn lính này thành khám Tân Hiệp (Nhà lao Tân Hiệp ngày nay) với sức chứa khoảng 500 phạm nhân. Nhưng thực tế, số lượng phạm nhân bị địch giam giữ tại đây lớn hơn gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu.
Cựu tù Nguyễn Văn Thông (thường gọi là Hai Thông), ngụ phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) nhớ lại, vào đêm 11-10-1955 trên đường đi công tác, ông bị địch phục kích, bị bắt. Sau hơn 3 tháng tra tấn, không moi được thông tin gì, đầu năm 1956, chúng đưa ông về khám Tân Hiệp, một trong 6 nhà tù lớn nhất của địch ở miền Nam lúc bấy giờ. Ngay từ khi bị bắt, ông đã mang trong mình tư tưởng vượt ngục, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, phục vụ nhân dân.
Còn bà Nguyễn Thị Liên (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), một trong những cựu tù trực tiếp tham gia phá khám Tân Hiệp nhớ lại, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 2-12-1956, khi tên lính trực vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vô trại thì tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp trại, các mũi xung kích nhanh chóng xông thẳng vào kho vũ khí, bắt trói tên chỉ huy trạm gác, thu toàn bộ vũ khí trong kho. Cũng lúc đó, một tổ khác xông vào nhà tên giám đốc trại giam, khống chế hắn và số lính lái xe, bảo vệ, sau đó tiến vào văn phòng trại giam bắt tên chỉ huy lính bảo an, cắt đường dây điện thoại...
Khi lệnh được phát ra, lập tức các anh chị em tù nhân từ các trại ồ ạt chạy về phía cổng. Với những tiếng hô “xung phong” vang dội, tiếng gọi nhau, tiếng chân chạy rầm rập của hàng trăm người. Trong 15 phút đầu, ta làm chủ tình hình. Chỉ huy trại và toàn bộ lính canh gác bị bất ngờ và vô cùng hốt hoảng, chỉ lo bảo toàn tính mạng nên chưa có hành động gì chống trả.
“Chủ trương của Đảng ủy nhà tù là không giết một tên lính nào, nhằm hạn chế việc khủng bố, trả thù của địch đối với những anh chị em còn ở lại hoặc không ra được. Phải mất hơn 15 phút sau, bọn địch trong trại mới hoàn hồn, vội vã nổ súng và tổ chức truy đuổi. Trước các làn đạn bắn xối xả của địch, một số anh chị em ta chạy ra sau bị trúng đạn hy sinh và nhiều người bị thương”- bà Liên nói.
* Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Trần Thị Hòa cho biết, sự kiện phá khám Tân Hiệp cách đây 63 năm là một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai. “Thắng lợi này đã thể hiện rõ bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của người cộng sản và yêu nước như “ngọc trong đá”. Đặc biệt, năm 1994, Nhà lao Tân Hiệp được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia càng minh chứng rõ nơi đây không chỉ là điểm hội tụ của những cựu tù chính trị mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ” - bà Hòa nhấn mạnh.
Nhà lao Tân Hiệp hiện nay |
Bà Hòa cho biết thêm, để ghi nhận công lao của các cựu tù và tiếp tục coi nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, ngoài việc được trùng tu, tôn tạo khang trang như ngày nay, dịp kỷ niệm 62 năm ngày phá khám Tân Hiệp (2-12-2018), di tích Nhà lao Tân Hiệp vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây chính là sự ghi nhận công lao to lớn của những cựu tù chính trị đã nỗ lực vượt qua gian khó, mưu trí, dũng cảm và hy sinh trong cuộc phá khám ngày 2-12-1956.
Xúc động tham dự lễ kỷ niệm 45 năm vụ thảm sát 18 nữ tù chính trị hy sinh tại nhà lao tổ chức vào tháng 6-2019, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho rằng, di tích Nhà lao Tân Hiệp là minh chứng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần đấu tranh bất khuất; từ đây đã khẳng định tinh thần quyết tâm, không quản ngại hy sinh gian khổ để đấu tranh chống kẻ thù, bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Ngày nay, di tích Nhà lao Tân Hiệp sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ...
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thanh Hiền chia sẻ, cuộc phá khám Tân Hiệp đã thể hiện tinh thần đoàn kết, đấu tranh quật cường được hun đúc trong suốt chiều dài đấu tranh gian khổ trong ngục tù của các cựu tù chính trị. Truyền thống ấy sẽ được thế hệ trẻ sau này kế thừa xứng đáng, nhân lên những giá trị nhân văn cao đẹp, là hành trang để tuổi trẻ tỉnh nhà tiếp bước trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh cho biết, kỷ niệm 63 năm ngày phá khám Tân Hiệp (2-12-2019), Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dâng hương tưởng nhớ những cựu tù đã hy sinh, gặp mặt các cựu tù và nói chuyện truyền thống nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. |
Bài, ảnh: Nguyệt Hà