Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng Bình Giã - bước trưởng thành của quân chủ lực miền Nam

04:12, 02/12/2019

Cách đây 55 năm, tại chiến trường trọng điểm Đông Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân dân ta đã lập nên chiến công vang dội - chiến thắng Bình Giã, đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng miền Nam trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cách đây 55 năm, tại chiến trường trọng điểm Đông Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân dân ta đã lập nên chiến công vang dội - chiến thắng Bình Giã, đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng miền Nam trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Các tướng lĩnh quân đội chào đón Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh (bìa phải) - một nhân chứng của Chiến thắng Bình Giã tại hội thảo Chiến thắng Bình Giã trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Các tướng lĩnh quân đội chào đón Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh (bìa phải) - một nhân chứng của Chiến thắng Bình Giã tại hội thảo Chiến thắng Bình Giã trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh:N.Trinh

Chiến thắng Bình Giã trong Đông Xuân 1964-1965 là chiến dịch đầu tiên của Bộ đội chủ lực Miền, đồng thời là một trong những chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) trên chiến trường miền Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã đánh dấu bước phát triển về lực lượng, phương pháp tác chiến tập trung, khẳng định vai trò của LLVT nói chung, bộ đội chủ lực trong cách mạng Việt Nam, góp phần đánh thắng chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ giai đoạn 1961-1965.

* Chiến thắng vẻ vang

Bình Giã là một xã thuộc huyện Châu Đức, cách Bà Rịa khoảng 18km về phía Bắc. Xã có 3 ấp gồm Vinh Châu, Vinh Hà và Vinh Trung với dân số lúc đó khoảng 6 ngàn người. Địch đã xây dựng nơi đây một hệ thống ấp chiến lược kiên cố, một cứ điểm quân sự mạnh ở Bà Rịa với đầy đủ trang thiết bị quân sự, được xem là “bất khả xâm phạm”.

Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, ngày nay Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Giã nỗ lực vươn lên xây dựng vùng căn cứ cách mạng năm xưa trở thành xã văn hóa kiểu mẫu với trên 98% hộ đạt gia đình văn hóa; hơn 97% thôn, ấp đạt văn hóa; trên 85% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh và đang nỗ lực về đích nông thôn mới.

Vào đêm 2-12-1964, lực lượng chủ lực Miền đã nổ súng mở màn Chiến dịch Bình Giã. Các lực lượng đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, 2 trận cấp tiểu đoàn và kết thúc vào ngày 3-1-1965. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, ta đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn, 1 chi đoàn xe M113 và 2 đoàn xe cơ giới; đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân, 7 đại đội bảo an, nhiều ấp chiến lược ở ven đường số 2 và đường số 15 thuộc các huyện: Đất Đỏ (Bà Rịa); Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị phá tan. Huyện Hoài Đức được giải phóng; vùng căn cứ Hát Dịch được củng cố, mở rộng, nối liền Chiến khu Đ với căn cứ Bình Thuận...

Kết thúc Chiến dịch Bình Giã, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 ngàn địch (trong đó có 28 lính Mỹ), bắt sống 293 tên, diệt và phá hủy 45 xe quân sự các loại, bắn rơi 24 máy bay, thu 1 ngàn súng các loại. Chiến thắng Bình Giã báo hiệu sự phá sản của chiến lược Chiến tranh đặc biệt, phá vỡ sự tương quan lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận: “Mối thất vọng của Washington đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã...”.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 40, một trong những đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Bình Giã nhớ lại, từ giữa năm 1964, Bình Giã được xem là ấp chiến lược kiên cố nhất và kiểu mẫu nhất của địch. Dân số Bình Giã lúc bấy giờ chỉ khoảng 6 ngàn người nhưng hầu hết đồng bào bị kìm kẹp đến nghẹt thở. Cả xã bị quây bởi hào giao thông, các ô, ụ chiến đấu có mìn dày đặc, hàng rào kẽm gai kiên cố. Bên ngoài bờ hào, địch còn trồng tre ken dày đến nỗi con gà cũng không chui lọt.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh nhấn mạnh: “Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cách mạng miền Nam, đồng thời minh chứng cho sự đúng đắn về đường lối cách mạng của Đảng, chứng tỏ sự trưởng thành của quân đội ta về chiến thuật, chiến dịch và nghệ thuật chỉ đạo tác chiến, tạo bước ngoặt so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta. Chiến thắng Bình Giã còn có ý nghĩa chính trị to lớn ở cả trong và ngoài nước; nó tăng thêm niềm tin tất thắng của toàn dân, toàn quân ta”.

Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài trong Đông Xuân 1964-1965, chiến thắng Bình Giã đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt, giúp quân dân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày
30-4-1975.

* Đóng góp của quân dân Đồng Nai trong Chiến thắng Bình Giã

Phát biểu tham luận tại hội thảo Chiến thắng Bình Giã trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Trường đại học Nguyễn Huệ, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức mới đây, Đại tá Trần Ngọc Khải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, trước khi mở Chiến dịch Bình Giã, cuối năm 1964, Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho Tỉnh ủy Biên Hòa chỉ đạo mở các hoạt động nghi binh. Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Biên Hòa đã tập trung chỉ đạo tăng cường phát triển lực lượng cách mạng, nhất là LLVT, chú ý phát triển lực lượng biệt động, du kích mật, tự vệ mật trong các thị xã, thị trấn phục vụ đắc lực cho các hoạt động của bộ đội Khu, Miền.

“Tỉnh ủy xác định để đánh thắng địch trên chiến trường Biên Hòa, lực lượng cách mạng, nhất là LLVT phải áp sát thành phố, thị xã, “căng”, “kéo” địch ra, động viên quân dân đánh Mỹ bằng mọi thứ vũ khí hiện có; đồng thời kết hợp ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận tiến công địch trên mọi mặt trận, mọi lúc, mọi nơi” - Đại tá Trần Ngọc Khải nhấn mạnh.

Thực tế trong Chiến dịch Bình Giã, Tiểu đoàn 800 của Quân khu và Đại đội 240 đã bố trí lực lượng, đánh mạnh vào các đoàn xe quân sự của địch trên đường số 15 (đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành ngày nay). Lực lượng tập trung của Long Thành và du kích xã bao vây, đánh đồn bốt của địch ở các xã: Phước Thái, Long Phước, Tam An, Tam Phước, An Hòa kéo địch về đối phó ở vùng Biên Hòa, kết hợp pháo kích mạnh vào Sân bay Biên Hòa nhằm mục đích nghi binh, đánh lạc hướng, tạo sơ hở để chủ lực Miền đánh địch tại Bình Giã giành thắng lợi.

Đại tá Trần Ngọc Khải khẳng định: “Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Trước, trong và sau Chiến dịch Bình Giã, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đồng Nai đã làm tròn nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn về người, về của cho thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã”.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, Chiến thắng Bình Giã mãi mãi là mốc son trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chiến thắng này, quân dân các tỉnh, thành Đông Nam bộ (trong đó có Đồng Nai) đã đóng góp to lớn về người và của, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch trên hướng chiến trường trọng điểm - Đông Nam bộ, góp phần cơ bản làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng phải chuyển sang một chiến lược quân sự mới: Chiến tranh Cục bộ sau năm 1965.

Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Bình Giã, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hội thảo chủ đề: “Chiến thắng Bình Giã trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Hội thảo đã thu hút hơn 70 bài tham luận, nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các tướng lĩnh quân đội, những người trực tiếp tham gia chiến dịch... Thành công của hội thảo tiếp tục góp phần khẳng định ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Bình Giã cùng nhiều bài học kinh nghiệm quý, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyệt Trinh

Tin xem nhiều