Báo Đồng Nai điện tử
En

Thông qua 28 nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội

04:12, 07/12/2019

Ngày 6-12, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua 28 nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng để triển khai trong năm 2020.

Ngày 6-12, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều vấn đề “nóng” về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tiếp tục được các đại biểu chất vấn. Sau khi tập trung xem xét, thảo luận, HĐND tỉnh đã thông qua 28 nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng để triển khai trong năm 2020.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh:H.Anh

[links()]Tình hình dịch tả heo châu Phi, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Bên cạnh đó, tờ trình danh mục các dự án; hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, đơn vị tham gia làm thủy lợi nội đồng được nhiều người dân trông đợi.

* Làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm

Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước nên dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung thịt heo cho nhiều tỉnh, thành. Dịch tả heo châu Phi đã khiến tổng đàn heo của tỉnh từ hơn 2,5 triệu con giảm xuống còn hơn 1,4 triệu con, nguy cơ thiếu thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán 2020 là rất lớn. Hiện giá heo hơi lên đến hơn 70 ngàn đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tái đàn an toàn.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Thời gian qua, Sở đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm nói chung và dịch tả heo châu Phi nói riêng. Tỉnh đã hỗ trợ 76 ngàn lít thuốc sát trùng, hơn 4,6 ngàn tấn vôi để tiêu độc, khử trùng nơi công cộng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Có 32 chốt kiểm dịch cấp tỉnh, cấp huyện để kiểm soát heo ra vào địa bàn. Hiện 105/136 xã đã qua 30 ngày không phát hiện dịch tả heo châu Phi”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh giải trình về vấn đề dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Huy Anh
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh giải trình về vấn đề dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Huy Anh

Ông Huỳnh Thành Vinh cũng đề nghị các địa phương phải kiên quyết ngăn chặn chăn nuôi trong khu dân cư, chỉ cho phép tái đàn ở những vùng chưa có dịch, hoặc dịch bệnh đã qua 30 ngày. Các địa phương lên danh sách những hộ chăn nuôi có đủ điều kiện tái đàn, báo về Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn để Sở phối hợp với doanh nghiệp, thú y hỗ trợ các trại đủ điều kiện tái đàn con giống, kỹ thuật chăn nuôi an toàn. 

Tại Đồng Nai, người dân tham gia BHYT, BHXH thấp hơn so với quy định của Chính phủ, một số đại biểu đã yêu cầu các sở, ngành liên quan làm rõ nguyên nhân.

Đại biểu Hồ Thanh Trúc, Tổ đại biểu huyện Định Quán đặt câu hỏi: “Số người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT mới đạt gần 2,549 triệu người (83,4% dân số), thấp hơn 3,1% so với chỉ tiêu Chính phủ giao, thấp hơn 3,7% so với chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao. Trách nhiệm của ai, giải pháp nào để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, BHXH?”

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh lý giải vấn đề này là do chính sách BHYT chưa có nhiều gói dịch vụ đa dạng cho người dân lựa chọn phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh ở một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên ảnh hưởng đến việc phát triển các đối tượng tham gia BHYT. Trong đó, cũng có nhiều người dân có thu nhập cao sẵn sàng chi trả tiền khám, chữa bệnh nên không tham gia BHYT. Về BHXH thì đúng là người dân tham gia chưa nhiều. Thời gian tới, ngành BHXH phối hợp với Sở Y tế vận động người dân tham gia BHYT. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến từng hộ dân để người dân hiểu lợi ích khi tham gia BHXH.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ khẳng định: “Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và yêu cầu các y, bác sĩ phải có thái độ phục vụ người dân niềm nở. Như vậy, sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT”.

* Quan tâm biên chế công chức, sáp nhập các ấp, khu phố   

Ông Tạ Quang Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc sáp nhập ấp, khu phố là chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm tinh giản số người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn đời sống người dân.

Các ấp, khu phố trên địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất và TP.Long Khánh được điều chỉnh, sáp nhập, thành lập trên cơ sở phù hợp với địa hình, đảm bảo các yếu tố về quản lý địa bàn, giao thông tạo thuận tiện trong việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Về cơ sở vật chất, văn phòng làm việc, đối với các ấp, khu phố sau điều chỉnh, sáp nhập, thành lập đã được các địa phương bố trí, tận dụng. Các địa phương cũng đã có phương án sắp xếp, bố trí về công tác nhân sự đảm bảo không phát sinh thêm.

Theo Sở Nội vụ, về biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, trong năm 2020, theo phê duyệt của HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ phân bổ cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và thành phố 3.189 công chức. So với Quyết định về việc giao tổng số biên chế công chức năm 2020 (Quyết định số 1066/QĐ-TTg ngày 22-8-2019) của Thủ tướng Chính phủ, biên chế công chức của Đồng Nai cao hơn 111 biên chế. Do đó, theo lộ trình đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện cắt giảm 75 biên chế công chức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết: “HĐND tỉnh đã thảo luận và thống nhất thông qua số lượng biên chế công chức, viên chức của tỉnh năm 2020. Trong đó, phân bổ số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố, HĐND tỉnh là hơn 41,4 ngàn biên chế viên chức. Để đảm bảo số lượng biên chế viên chức, trong năm 2020, UBND tỉnh sẽ phải cắt giảm 78 biên chế viên chức theo lộ trình đã được phê duyệt và cắt giảm thêm các biên chế viên chức dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp”. Biên chế trong các tổ chức hội có tính chất đặc thù, HĐND tỉnh cũng phê duyệt tổng số biên chế năm 2020 là 355 biên chế. Sau đó sẽ tiến hành cắt giảm biên chế và khoán kinh phí hoạt động cho hội theo quy định.      

Theo Sở Nội vụ, sau khi thực hiện điều chỉnh, sáp nhập, thành lập các ấp, khu phố, các huyện Định Quán, Thống Nhất và TP.Long Khánh sẽ giảm được 19 ấp, khu phố. Cụ thể trên địa bàn huyện Định Quán sẽ thực hiện sáp nhập ấp, khu phố trên địa bàn 8 xã và thị trấn gồm: thị trấn Định Quán và các xã Phú Tân, Gia Canh, Phú Ngọc, La Ngà, Phú Túc, Túc Trưng và Phú Lợi. Sau khi điều chỉnh, sáp nhập trên địa bàn huyện Định Quán còn 96 ấp, khu phố.

Tại huyện Thống Nhất sẽ thực hiện sáp nhập các ấp của xã Lộ 25. Sau khi sáp nhập ấp thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất còn 44 ấp, khu phố.

Trên địa bàn TP.Long Khánh sẽ sáp nhập 2 khu phố của phường Xuân Bình. Sau khi sáp nhập khu phố thuộc phường Xuân Bình, TP.Long Khánh còn 58 ấp, khu phố.

* Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, có 28 nghị quyết đã được các đại biểu biểu quyết thông qua. Trong đó, có một số nghị quyết người dân rất quan tâm là: danh mục các dự án sẽ thu hồi đất năm 2020, hỗ trợ người dân thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ, thu chi ngân sách, đầu tư các dự án công, chuyển đổi đất lúa, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng trong năm tới...

Các đại biểu tham dự phiên bế mạc. Ảnh: Huy Anh
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc. Ảnh: Huy Anh

Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho hay: “HĐND tỉnh đã thông qua danh sách các dự án sẽ thu hồi đất trong năm 2020. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có thêm 145 dự án cần thu hồi đất với diện tích cần thu hồi là hơn 700 hécta để thực hiện các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”. Những công trình trên nếu hoàn thành sớm sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng. Trong đó ưu tiên cho những dự án hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho các địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, du lịch...

Trong thời gian tới, cá nhân, đơn vị tham gia xây dựng hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Nhiều nông dân trong tỉnh mong đợi chính sách này có hiệu lực để có thêm kinh phí thực hiện các công trình thủy lợi, giảm hạn hán, tăng vụ, tăng năng suất cho cây trồng.

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, các khoản hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được miễn tiền thuê đất, hỗ trợ 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công. Người dân làm hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn sẽ được hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng, số tiền hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/hécta. Xây dựng kênh mương nội đồng, cống được hỗ trợ 70-90% tổng giá trị đầu tư công trình. Đây là chính sách ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, hiện nay số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là hơn 4,4 ngàn người, trong đó số người đăng ký điều trị tại 8 cơ sở điều trị methadone trên địa bàn tỉnh là gần 4 ngàn bệnh nhân, đạt tỷ lệ hơn 89%. Năm 2019, số bệnh nhân đang điều trị nghiện ma túy gần 1,3 ngàn bệnh nhân, đạt gần 92% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.

Hương Giang - Phạm Tùng

Tin xem nhiều