Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trưởng khoa thân thiện, yêu nghề

04:12, 30/12/2019

Với 21 năm kinh nghiệm, bác sĩ Nguyễn Tú, Trưởng khoa Cấp cứu Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu được tập thể bệnh viện đánh giá là một đảng viên ưu tú, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.

Với 21 năm kinh nghiệm, bác sĩ Nguyễn Tú, Trưởng khoa Cấp cứu Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu được tập thể bệnh viện đánh giá là một đảng viên ưu tú, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Tú, Trưởng khoa Cấp cứu Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu (bên phải) hướng dẫn một điều dưỡng của khoa trong cách theo dõi, đo điện tim cho bệnh nhân. Ảnh:C.Ly
Bác sĩ Nguyễn Tú, Trưởng khoa Cấp cứu Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu (bên phải) hướng dẫn một điều dưỡng của khoa trong cách theo dõi, đo điện tim cho bệnh nhân. Ảnh:C.Ly

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh (năm 1998), bác sĩ Nguyễn Tú đã về công tác tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước. Trải qua nhiều vị trí công tác tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước, năm 2013 bác sĩ Tú chuyển về làm việc tại Khoa Cấp cứu của Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cữu.

* Triển khai nhiều kỹ thuật mới

Thời gian đầu làm việc tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu, bác sĩ Tú cũng gặp không ít khó khăn, bởi khi ấy, trang thiết bị của khoa chưa đầy đủ, cái cần lại không có, còn cái có lại không sử dụng được do hư hỏng. Đáng ngại nhất là khoa chỉ có 1 bác sĩ. Nhiều đêm trực, trung tâm phải huy động các bác sĩ từ các khoa khác để đảm bảo nhân lực phục vụ người bệnh. “Thời điểm này, tôi muốn đưa nhiều kỹ thuật mình đã thực hiện được ở một bệnh viện tuyến tỉnh để áp dụng cho Trung tâm y tế huyện nhưng không có người triển khai. Trong khi, nghề y lại không thể độc lập “tác chiến”. Một bác sĩ dù giỏi cũng không thể một mình cứu sống bệnh nhân mà cần sự phối hợp của cả tập thể”- bác sĩ Tú tâm sự.

Bác sĩ Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu nhận xét, bác sĩ Nguyễn Tú từng làm việc tại bệnh viện tuyến tỉnh, do đó trình độ chuyên môn của bác sĩ Tú rất vững vàng, cấp cứu nhiều ca bệnh nặng qua cơn nguy kịch nên người dân tin tưởng đến khám, chữa bệnh tại trung tâm đông hơn. Bên cạnh đó, với tính cách thân thiện, nhiệt tình, bác sĩ Tú đã hướng dẫn cho các y, bác sĩ tại trung tâm nhiều kỹ thuật mới, khó để nâng cao trình độ chuyên môn.

Từ thực tế đó, ngoài việc đề xuất cho cán bộ, nhân viên trong khoa đi học, bác sĩ Tú bắt đầu chuyển giao kỹ thuật bằng cách trực tiếp hướng dẫn qua mỗi ca bệnh cụ thể, nhất là những ca bệnh nặng (so với tuyến huyện). Những kỹ thuật như đặt nội khí quản cho các bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở; hồi sức cơ bản… bắt đầu được triển khai sâu tại Khoa Cấp cứu của Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu.

Trước đây, những bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở nhập viện đều phải chuyển lên tuyến trên, có khi bệnh nhân tử vong khi chưa kịp chuyển viện. Nhưng sau 1 năm bác sĩ Tú về làm việc, tình trạng này đã được cải thiện. Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ tay nghề của các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu được nâng lên từ những “buổi học đặc biệt” của “thầy Tú”.

Hơn 1 tháng trước, bệnh nhân H.T.T., ngụ xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) nhập viện trong tình trạng ho ra máu, ngưng tim, ngưng thở. Các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành đặt nội khí quản, hồi sức tim mạch kịp thời. Sau 5 phút hồi sức liên tục, bệnh nhân đã có mạch, huyết áp trở lại và tỉnh táo hơn. Khi đó, các bác sĩ mới dám chuyển viện cho bệnh nhân lên tuyến trên tiếp tục chữa trị với chẩn đoán lao phổi gây ho ra máu, suy thận giai đoạn 4.

Trong một chuyến đi chơi ở Đảo Ó - Đồng Trường, chị Nguyễn Thị Chi (ngụ TP.Hồ Chí Minh) bị tai nạn trên đường về. Chị Chi được chuyển vào Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu để sơ cấp cứu ban đầu với tình trạng chấn thương vùng cổ. Sau khi các bác sĩ sơ cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh để mổ. “Khi phục hồi, bệnh nhân được chính bác sĩ tuyến trên giải thích rằng, nếu không được các bác sĩ tuyến dưới cấp cứu kịp thời, đúng cách, chị đã bị liệt, dù mổ cũng không có tác dụng. Sau đó, bệnh nhân đã trở lại thăm và trao tặng quà cho quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại trung tâm” - bác sĩ Tú chia sẻ.

* Sát cánh cùng đồng nghiệp

Cách đây khoảng 2 tháng, một bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông. Điều đáng nói, bệnh nhân lợi dụng mình say xỉn đã chửi mắng và đánh một bác sĩ trẻ của Khoa Cấp cứu. Ngay khi biết sự việc, bác sĩ Tú đã cấp tốc vào khoa để can thiệp, bảo vệ đồng nghiệp của mình. Bác sĩ Tú cho hay: “Làm việc ở Khoa Cấp cứu, chuyện bệnh nhân say xỉn chửi bới, đe dọa bác sĩ xảy ra hằng ngày, hằng tuần. Tôi luôn nói anh em trong khoa khi gặp các tình huống bệnh nhân đánh hoặc đe dọa phải có cách xử trí khéo léo để bảo toàn tính mạng”.

3 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu của Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu, cử nhân điều dưỡng Bùi Thị Thúy được bác sĩ Tú hướng dẫn triển khai nhiều kỹ thuật mới. Chị Thúy cho hay, từ khi làm việc tại khoa, bác sĩ Tú thường xuyên hướng dẫn những kỹ thuật mới trong các ca bệnh nặng như: ép tim, đặt nội khí quản trong thời gian ngắn nhất, chính xác nhất… để cứu bệnh nhân. Những ca đầu tiên, bác sĩ Tú đều làm trước, mọi người sẽ nhìn và thực hành theo đến khi làm thuần thục mới thôi.

Chị Thúy chia sẻ: “Chúng tôi làm việc trong môi trường thoải mái nhưng có nề nếp, khuôn khổ nhất định. Chúng tôi chỉ bị áp lực trước bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh, không bị áp lực trong mối quan hệ cấp trên, cấp dưới vì bác sĩ Tú rất thân thiện”.   

Chiêu Ly

Tin xem nhiều