Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà: Xử lý triệt để điểm "nóng", tạo đồng thuận để phát triển

10:12, 24/12/2018

Là địa phương có tốc độ phát triển nhanh của tỉnh, huyện Trảng Bom đang phấn đấu sớm trở thành huyện công nghiệp hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc phát huy hiệu quả các ưu thế sẵn có, huyện Trảng Bom còn tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân.

Là địa phương có tốc độ phát triển nhanh của tỉnh, huyện Trảng Bom đang phấn đấu sớm trở thành huyện công nghiệp hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc phát huy hiệu quả các ưu thế sẵn có, huyện Trảng Bom còn tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà cho hay năm 2018 huyện đã huy động được 11.384 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; thu ngân sách huyện đạt  1.158 tỷ đồng, là một trong số ít địa phương có đóng góp vào ngân sách chung của tỉnh. Diện mạo đô thị và nông thôn của địa phương không ngừng đổi mới, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại hơn.

* Kinh tế tăng trưởng cao

 Đâu là những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của Trảng Bom thời gian qua, thưa đồng chí?

- Một kết quả đáng mừng là trong suốt 15 năm thành lập huyện đến nay (2004-2018), Trảng Bom luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,5 lần so với năm 2004). Tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm chỉ còn 0,45% (337/84.263 hộ dân) theo chuẩn nghèo của tỉnh.

 Diện mạo đô thị ở Trảng Bom đang hình thành rất rõ nét cho thấy quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong việc xây dựng Trảng Bom phát triển xứng tầm theo hướng công nghiệp năng động?

- Tốc độ đô thị hóa của huyện ngày càng nhanh. Chính vì thế, huyện đã tập trung nhiều giải pháp, từ công tác quy hoạch, thực hiện đầu tư, chỉnh trang cải tạo đô thị, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, khai thác có hiệu quả các công trình đô thị đến kêu gọi, tạo điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn thị trấn góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng người dân trong việc tham gia quản lý đô thị cũng như phối hợp, tạo đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thị trấn.

Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của thị trấn Trảng Bom, đặc biệt là hệ thống giao thông nội thị hoàn chỉnh với 146 tuyến đường, hàng loạt các tuyến đường trục chính ở trung tâm thị trấn được đầu tư, nâng cấp. Nhiều khu dân cư mới được hình thành; hệ thống dịch vụ thương mại phát triển, các công trình thiết chế văn hóa cũng được xây dựng, nâng cấp góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn. Vừa qua, đoàn liên ngành của Trung ương đã kiểm tra thẩm định và hiện đang trình Trung ương xét công nhận thị trấn Trảng Bom mở rộng đạt đô thị loại IV trong năm 2018.

Nếu như năm 2004 toàn Đảng bộ huyện Trảng Bom có 1.571 đảng viên thì đến nay đã tăng lên 5.021 đảng viên (tăng 3,3 lần so với năm 2004); 71/71 chi bộ ấp, khu phố có chi ủy. Chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ngày càng được nâng lên.

Thưa đồng chí, bên cạnh sự thay đổi phát triển của đô thị thị trấn Trảng Bom, bộ mặt nông thôn của huyện cũng có nhiều đổi mới?

- Mặc dù huyện Trảng Bom phát triển theo định hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp nhưng khu vực nông nghiệp - nông thôn vẫn giữ vai trò rất quan trọng, nơi có trên 70% dân số đang sinh sống. Do đó, Đảng bộ huyện luôn xác định phải tập trung chăm lo, đầu tư vào lĩnh vực này để người dân nông thôn có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Chỉ tính trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008-2018), toàn huyện đã huy động được nguồn lực trên 10 ngàn tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng ở nông thôn, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 10,54%, còn lại 89,46% là vốn của doanh nghiệp và của nhân dân. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, có những đột phá trong ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch VietGap, GlobalGap, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp; giá trị bình quân trên một hécta gieo trồng đạt 110,6 triệu đồng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và đang tập trung xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa, tương xứng với yêu cầu phát triển của một huyện công nghiệp có tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay.

* Xử lý triệt để sai phạm, nhất là những điểm ”nóng”

 Những hạn chế mà huyện chưa làm được, nhất là trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện là gì, thưa đồng chí?

- Mặc dù huyện đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển nhưng việc thu hút đầu tư các cụm công nghiệp, cụm làng nghề chậm so với kế hoạch đề ra, làm cản trở cho sự phát triển. Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, nhất là những ngành có giá trị gia tăng cao, dịch vụ phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ du lịch. Ngay cả khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp phát triển, nhưng chúng tôi vẫn thấy rằng kết quả này chưa thực sự vững chắc.

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện sẽ tập trung phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện; tạo điều kiện để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thủ tục xây dựng trung tâm thương mại của huyện; tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống…

 Là một trong những huyện phát triển của tỉnh nhưng cũng phát sinh nhiều điểm “nóng”, nhất là trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai. Đồng chí có thể cho biết quan điểm xử lý của huyện như thế nào?

- Trảng Bom là địa bàn đặc thù phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa rất nhanh, chắc chắn có phát sinh những điểm “nóng” trong quá trình quản lý xã hội, nhất là trong quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai trong thời gian qua. Về vấn đề này, Đảng bộ huyện đã hết sức chú trọng, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Cụ thể, ngày 4-11-2013, Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa II) đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/HU để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện. Sau 3 năm thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa III) đã tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, nhận thấy công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, xử lý chưa kiên quyết, chưa triệt để. Chính vì vậy, ngày 21-5-2018, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/HU về tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý quy hoạch, đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Trảng Bom.

Kết quả, năm 2018 các vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản đã giảm so với các năm trước. Cụ thể: giảm 14 vụ vi phạm về đất đai so với năm 2017 (172/186 vụ), đã khắc phục được 111/172 vụ vi phạm về đất đai; giảm 19 vụ khai thác, vận chuyển đá trái phép so với năm 2017 (16/35 vụ). Xử lý kỷ luật 2 đồng chí chủ tịch xã và 4 công chức chưa thực hiện hết trách nhiệm được giao.

 Kinh nghiệm, bài học xử lý từ thực tiễn ra sao, thưa đồng chí?

- Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng của huyện trong thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, khoáng sản, xây dựng; công khai các quy hoạch, các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng để nhân dân biết, chấp hành.

 Xác định rõ công tác quản lý quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trên từng địa bàn dân cư. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, khoáng sản và trật tự xây dựng.

Thực hiện kịp thời công tác khen thưởng, kỷ luật. Địa phương, cơ quan nào chậm phát hiện, chậm khắc phục các sai phạm về quy hoạch, đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và tùy tính chất, mức độ để xử lý kỷ luật.

 Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

Tin xem nhiều