Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa IX chọn 5 nội dung để chất vấn trong ngày 7-12. Đó là: diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự; hàng hóa ở các chợ truyền thống chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc, xuất xứ...
Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa IX chọn 5 nội dung để chất vấn trong ngày 7-12.
Đó là: diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự; hàng hóa ở các chợ truyền thống chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc, xuất xứ; tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại vẫn chưa đảm bảo; tình hình giết mổ lậu chưa được kiểm soát tốt và tình trạng hàng gian hàng giả, gian lận thương mại, xâm hại sở hữu trí tuệ còn phổ biến.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Huy Anh |
[links()]* An ninh trật tự diễn biến phức tạp
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Tổ đại biểu huyện Trảng Bom) về diễn biến an ninh trật tự có phần phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh và những giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho hay sẽ tăng cường nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự.
Giám đốc Công an tỉnh Huỳnh Tiến Mạnh trả lời tại phiên chất vất và trả lời chất vấn. Ảnh: Huy Anh |
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét: “Lãnh đạo một số sở trả lời vẫn còn dài, chưa đi vào trọng tâm. Cử tri không cần nghe đến những giải pháp như “tiếp tục, tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao” mà cần chỉ ra những giải pháp cụ thể, rõ ràng”. |
Cũng theo Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, trong năm 2018 tình hình băng nhóm tội phạm hoạt động khá phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có sự móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các băng nhóm đều tập hợp các đối tượng có tiền án, tiền sự, sử dụng trái phép chất ma túy… để hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, trộm cắp tài sản.
“Nổi lên trong hoạt động băng nhóm là các doanh nghiệp cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ để hoạt động “tín dụng đen”, kèm theo là hoạt động đòi nợ, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Trong năm 2018, công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh, triệt phá 90 băng nhóm, 503 đối tượng các loại” - Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh nói.
Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trước đó tại phiên thảo luận nhiều đại biểu HĐND đặt vấn đề về trách nhiệm của ngân hàng và các quỹ tín dụng ra sao khi để cho “tín dụng đen” lộng hành. Tại phiên chất vấn, chủ tọa kỳ họp đã yêu cầu ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai trả lời nội dung này.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Hùng Mạnh trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Huy Anh |
Ông Nguyễn Hùng Mạnh cho hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tích cực, chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành có thẩm quyền để rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, xây dựng khuôn khổ pháp lý để góp phần hạn chế tối đa các hệ lụy do hoạt động “tín dụng đen” gây ra. Để giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn “tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. “Tại Đồng Nai, ngoài các ngân hàng lớn còn có 239 phòng giao dịch, 36 quỹ tín dụng nhân dân, 11 chi nhánh và phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội, 163 điểm giao dịch cấp xã, phường. Đây là những kênh tín dụng để phục vụ vay tiêu dùng, góp phần hạn chế được “tín dụng đen” - ông Mạnh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (Tổ đại biểu huyện Trảng Bom) đặt câu hỏi chất vấn |
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, Đồng Nai đã rất chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị có chức năng giải quyết tình trạng mất khả năng chi trả ở một số quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Tỉnh cũng rất mong những vụ việc này sớm được giải quyết để nhân dân tiếp tục tin tưởng vào kênh tín dụng này. Tuy nhiên, các ngành chức năng, trong đó có hệ thống ngân hàng cũng cần rà soát nhu cầu của người dân để có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vay đúng nơi, đúng chỗ, tránh rơi vào “bẫy” “tín dụng đen”, gây mất trật tự an toàn xã hội.
* Gian nan dẹp giết mổ lậu, hàng gian hàng giả
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng là người đăng đàn 2 lần trong phiên chất vấn để trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Trong đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thanh Trúc (Tổ đại biểu huyện Định Quán) về việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của các chợ truyền thống, ông Dương Minh Dũng thừa nhận hàng hóa trong các chợ, nhất là chợ truyền thống hiện nay rất khó kiểm soát, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận, chưa có ý thức chấp hành về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sự dễ dãi của người tiêu dùng với chất lượng, giá cả của hàng hóa cũng khiến cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại.
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Huy Anh |
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Quang (Tổ đại biểu huyện Cẩm Mỹ) về tình trạng có cơ sở giết mổ lậu tái phạm nhiều lần nhưng mức xử phạt không mang tính răn đe, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết hiện mới chỉ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, chưa có mức xử phạt tăng nặng. Do vậy, để chấn chỉnh tình trạng giết mổ lậu, rất cần sự vào cuộc một cách trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là phường, xã. |
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Để từng bước xử lý triệt để tình trạng chưa kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại chợ, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, trồng trọt các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm phân phối hàng vào chợ”.
Cũng chất vấn Giám đốc Sở Công thương, đại biểu Lâm Thanh Đức (Tổ đại biểu huyện Xuân Lộc) đặt vấn đề: “Tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng giảm nhưng số vụ vi phạm vẫn cao. Giải pháp nào để phát hiện và xử lý loại tội phạm này?”.
Đại biểu Lâm Thanh Đức (Tổ đại biểu huyện Xuân Lộc) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Huy Anh |
Theo ông Dương Minh Dũng, tính đến tháng 10-2018, Đồng Nai đã phát hiện 4.460 vụ vi phạm, xử lý gần 904 tỷ đồng về hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. “Thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi và hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận cao, uy tín với người tiêu dùng thì khả năng làm giả càng lớn” - ông Dũng nói.
Về giải pháp, ông Dũng cho biết sắp tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia, phát hiện. Bên cạnh đó, thực hiện phòng, chống tội phạm ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không có vùng cấm trong công tác này.
Nguyễn Phượng