Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 27/04/2025, 05:40 En

Bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật

11:08, 21/08/2017

Tại hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức mới đây, bà Võ Thị Xuân Đào, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một biện pháp để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới,...

Lãnh đạo nữ cấp xã, phường, thị trấn tiếp dân. Ảnh: C.TÚ
Lãnh đạo nữ cấp xã, phường, thị trấn tiếp dân. Ảnh: C.TÚ

Tại hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức mới đây, bà Võ Thị Xuân Đào, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một biện pháp để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ.

Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thẩm định, đánh giá việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã chủ động trong công tác tổ chức hội nghị và xây dựng các kế hoạch lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2007 đến nay, sau khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật có lồng ghép giới, trong đó có 3 nghị quyết của HĐND tỉnh và 13 Quyết định của UBND tỉnh.

Hầu hết các văn bản đều đảm bảo nguyên tắc lồng ghép giới, thể hiện ở quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không làm phát sinh yếu tố bất bình đẳng giới, bảo đảm quyền bình đẳng của cả nam và nữ trong nội dung, trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản theo quy định; đảm bảo sự tham gia, vào cuộc của các ban, ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, MTTQ và các tổ chức thành viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc lồng ghép giới trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập, chẳng hạn như: kỹ năng lồng ghép giới của đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác tham mưu còn hạn chế. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về lồng ghép giới trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể.

Để công tác lồng ghép giới đạt hiệu quả, bà Đào cho rằng cần phải có số liệu bóc tách giới nhằm cung cấp chính xác thông tin, phản ánh đúng thực trạng giới, đưa ra những mục tiêu phù hợp, giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giới; tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.

Tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ với vai trò là đơn vị đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ cần làm tốt công tác phản biện, tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...

Cẩm Tú