Giải pháp nào để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Đồng Nai? Biện pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Tình trạng thu gom rác thải rắn chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến môi trường sẽ được giải quyết như thế nào?
[links()]Giải pháp nào để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Đồng Nai? Biện pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Tình trạng thu gom rác thải rắn chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến môi trường sẽ được giải quyết như thế nào?
Đó là 3 nội dung trọng tâm đã được các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, bàn bạc, kiến nghị tại các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-7.
Để du lịch cất cánh
Nhiều đại biểu cho rằng dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay du lịch Đồng Nai vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của tỉnh. Về điều kiện địa lý, tự nhiên, Đồng Nai có lợi thế khi có dòng sông Đồng Nai rất đẹp bao quanh TP.Biên Hòa kéo dài đến nhiều địa phương trong tỉnh, cũng như thế mạnh về du lịch sinh thái rừng.
Tuy nhiên, du lịch Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do quy mô du lịch còn nhỏ; sản phẩm, dịch vụ du lịch nghèo nàn, thiếu sức cạnh tranh; hệ thống lưu trú chưa phát triển; con người làm du lịch chưa chuyên nghiệp; chưa có cơ chế chính sách cho phát triển du lịch; kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đến vùng du lịch còn hạn chế...
Giám đốc Sở Văn hóa thể thao – du lịch Lê Kim Bằng trả lời ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, những thành phố có sông bao quanh không nhiều. Đồng Nai có lợi thế đó thì phải khai thác làm những tour du lịch khám phá cảnh quan, kết hợp du lịch tâm linh, ẩm thực.
Để phát triển ngành du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho những vùng có tiềm năng; mời gọi nhà đầu tư vào phát triển du lịch, nhất là đầu tư phát triển du lịch sông Đồng Nai. Đặc biệt triển khai các cơ chế, chính sách để tháo gỡ nút thắt tạo điều kiện phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết vùng bằng nhiều kênh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực…
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai sẽ chuyển theo hướng thương mại - du lịch và dịch vụ. Du lịch là ngành công nghiệp không khói, mang lại giá trị gia tăng cao. Muốn thu hút phải làm “ngon lành”, kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm theo quy hoạch. Tới đây Đồng Nai sẽ triển khai kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Tỉnh sẽ “mở ra”, “mở thoáng” hết các thủ tục để mời gọi nhà đầu tư vào ngành này.
Tự cứu mình bằng sản xuất “sạch”
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Ngân, tổ đại biểu Nhơn Trạch, đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hữu hiệu cho đầu ra của nông sản, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm mạnh; làm tốt hơn công tác thông tin, dự báo, khuyến cáo người nông dân sớm, kịp thời để hạn chế những thiệt hại kinh tế cho bà con.
Đại biểu HĐND tổ huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Hồng Ngân chất vấn về vấn đề giải cứu nông sản |
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết giải pháp trước mắt bắt buộc phải giảm đàn, nhất là giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng hợp tác xã. Ngoài ra, tiếp tục triển khai chợ đầu mối nông sản giống mô hình chợ đầu mối nông sản Dầu Giây là cơ hội rất tốt để tiêu thụ nông sản, quảng bá thương hiệu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh trả lời chất vấn |
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh các đợt giải cứu thịt heo, chuối chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề đặt ra hiện nay, bà con sản xuất nhiều nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Tới đây trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là trách nhiệm của ngành nông nghiệp rất lớn trong tìm thị trường cho nông sản. Trước nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay, đòi hỏi nông dân tự cứu mình bằng cách sản xuất ra những sản phẩm sạch, không có chất cấm, chất tạo nạc, chất tăng trưởng. Đồng chí cũng kêu gọi toàn dân sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Xử lý rác thải sinh hoạt chưa đảm bảo
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hương, tổ đại biểu Biên Hòa, phản ánh việc xử lý rác thải chưa đảm bảo đúng quy trình quy định, còn để phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường để cử tri còn phản ánh nhiều, như: bãi rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), bãi rác của Công ty cổ phần Đồng Xanh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Còn nhiều điểm trung chuyển rác chưa hợp lý, việc thu gom chưa triệt để vào ban đêm, còn phát sinh ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hương đặt câu hỏi tại phiên thảo luận, chất vấn |
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho biết hàng ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng trên 3,4 ngàn tấn rác các loại, trong đó rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng trên 1,6 ngàn tấn/ngày; các chất thải công nghiệp nguy hại, không nguy hại và rác thải y tế được đưa vào các khu xử lý đảm bảo đúng quy định đạt 100%; còn lại phần lớn rác thải sinh hoạt chủ yếu được chôn lấp.
Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đặng Minh Đức trả lời ý kiến của đại biểu tại phiên trả lời chất vấn |
Từ tháng 3-2016, bãi rác Trảng Dài chính thức đóng cửa, tiến hành phục hồi môi trường ở khu này. Tuy nhiên, hiện nay bãi rác Trảng Dài vẫn là nơi tập kết rác của thành phố để chuyển một phần cho Công ty cổ phần Đồng Xanh xử lý, một phần chuyển lên bãi rác Vĩnh Tân.
Theo thống kê, hàng ngày có trên 700 tấn rác sinh hoạt được đưa về tập kết tại bãi rác Trảng Dài, phát sinh ô nhiễm môi trường. Nếu không có giải pháp thì sẽ dễ tái lập lại bãi rác tại đây. Một trong những nguyên nhân phát sinh gây ô nhiễm khác nữa là trong quá trình thu gom từ các hộ gia đình đến điểm tập kết trung chuyển đưa về khu xử lý gây rơi vãi, xử lý nước thải trong rác, tồn lưu hoặc thu gom không hết nên đã gây ô nhiễm.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Tài nguyên - môi trường đã tăng cường giám sát môi trường và xử phạt một số khu xử lý chưa đúng quy định. Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh tập trung xây dựng hoàn thiện các khu xử lý rác thải, tiến tới lộ trình tái chế, tái sử dụng, đặc biệt phải chuyển hóa đốt rác để tạo năng lượng sạch chứ không đốt rác thông thường còn gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Sở đã yêu cầu các chủ đầu tư, các khu xử lý phải có cam kết và làm việc với 9 khu xử lý rác thải đến tháng 6 và 12 -2017, tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt sẽ giảm xuống còn 36%. Ngoài ra, Sở Tài nguyên - môi trường cũng đề nghị chính quyền địa phương theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt rà lại các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác, đảm bảo không để phát sinh môi trường nhất là trong mùa mưa. Sở sẽ phối hợp với địa phương, đặc biệt TP.Biên Hòa, khẩn trương quy hoạch điểm tập kết rác trung chuyển.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đề nghị phải giám sát việc đầu tư của các doanh nghiệp, gia tăng tỷ lệ rác được xử lý, chứ hiện nay rác thải sinh hoạt chôn lấp 100% dễ phát sinh ô nhiễm môi trường; đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với tỉnh về đảm bảo môi trường, cũng như đầu tư các dự án xử lý rác thải đúng lộ trình đã đề ra.
Ngọc Thư - Văn Chính