Buổi triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" vừa được Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan lục quân 2) phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông tổ chức, đã đem đến nhiều cảm xúc cho các cán bộ, học viên của nhà trường.
Buổi triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vừa được Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan lục quân 2) phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông tổ chức, đã đem đến nhiều cảm xúc cho các cán bộ, học viên của nhà trường.
Cán bộ nhà trường đọc sách tại triển lãm. Ảnh: M.Thành |
Bằng chứng hùng hồn
Triển lãm trưng bày nhiều bản đồ, tư liệu và trên 500 đầu sách, các ấn phẩm báo chí, các bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tư liệu cho thấy ngay từ thời phong kiến, các triều đại đã cho khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước; đặc biệt là tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, ban hành rộng rãi từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Triển lãm gồm tư liệu, hiện vật, ấn phẩm của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế; phiên bản của các văn bản Hán Nôm, tiếng Việt, tiếng Pháp do triều đình nhà Nguyễn và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ghi chép tư liệu để làm bài thu hoạch sau khi tham quan. |
Trung úy Phạm Văn Ngân (trợ lý chính trị hệ hoàn thiện đại học sĩ quan chính trị phân đội, Trường sĩ quan lục quân 2) tâm sự: “Trên cương vị là một sĩ quan trẻ, tôi thấy cuộc triển lãm này rất thiết thực với cán bộ, chiến sĩ, học viên nhà trường, cung cấp kiến thức về bằng chứng khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thông qua sách báo, bản đồ ở triển lãm, tôi có thêm tài liệu tuyên truyền, vận động cho học viên, người thân về chủ quyền biển đảo nước ta bằng những bằng chứng sinh động, thiết thực, có chiều sâu hàng thế kỷ. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều cuộc triển lãm như thế này với nhiều hiện vật, tư liệu đặc sắc hơn nữa”.
Hữu ích trong việc quản lý học viên và đào tạo cán bộ
Học viên Nguyễn Khánh Duy (Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trường sĩ quan lục quân 2) bộc bạch: “Xem buổi triển lãm, tôi rất xúc động khi thấy được nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thấy được sự hy sinh của thế hệ trước để bảo vệ chủ quyền của quốc gia. Sau khi tham gia buổi triển lãm, tôi sẽ tích cực học tập, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Còn học viên Lâm Hoàng Sơn (Đại đội 2, Tiểu đoàn 8, dân quân thường trực thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) cho hay, xuất thân từ một tỉnh ven biển nên anh hiểu rất rõ vai trò của biển với đời sống người dân. Do đó, khi dự buổi triển lãm, anh đã ghi chép nhiều tư liệu để sau này khi trở về địa phương, anh có thể truyền đạt đến cho người dân về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hòa (Phó chính ủy Trường sĩ quan lục quân 2), nhận định: “Qua triển lãm giúp cán bộ, chiến sĩ, học viên hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, biển đảo Việt Nam nói chung; ý nghĩa to lớn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cổ vũ phong trào đọc sách và đưa những cuốn sách hay vào hành trang của người lính. Từ đó nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần khắc phục khó khăn và nâng cao văn hóa đọc cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và học viên nhà trường”.
Minh Thành