Tại hội nghị giao ban thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ lần thứ I, các đại biểu đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hay từ thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nói chung, xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh nói riêng.
Ngày 25-3, tại hội nghị giao ban thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ lần thứ I nhiệm kỳ 2016-2021 do Đồng Nai đăng cai tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hay từ thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nói chung, xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (phải) trao đổi với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (trái) và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Công Nghĩa |
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cho biết hội nghị năm nay có chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh”.
Sở dĩ Đồng Nai chọn chủ đề này vì đây là một vấn đề rất mới, dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ra đời năm 2015 nhưng mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, do đó còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai, cần thảo luận tìm giải pháp để tháo gỡ.
Còn nhiều vướng mắc
Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất cho rằng việc xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật là hoạt động rất quan trọng tại các kỳ họp của HĐND tỉnh để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ làm chuyên trách xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh còn ít, áp lực công việc nhiều nhưng chưa có một chế độ tương xứng.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác xây dựng nghị quyết văn bản quy phạm pháp luật là một công việc rất khó, phải làm sao để nghị quyết đi vào cuộc sống, đảm bảo hài hòa các lợi ích của đa số cử tri, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi người làm công tác này có lập trường, tư tưởng chính trị rõ ràng; phải có năng lực, trình độ, kiến thức thực tiễn.
Do đó, những kiến nghị về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế, đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh là hợp lý.
Theo phản ánh của các đại biểu, khó khăn nổi cộm trong xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật là theo quy định mới, thời gian xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật rất dài, từ lúc bắt đầu xây dựng dự thảo đến lúc thông qua kỳ họp HĐND tỉnh khoảng 140 ngày nhưng quy trình, thời gian thẩm tra dự thảo nghị quyết của các ban HĐND tỉnh rất ngắn, chỉ có 5 ngày để hoàn thành việc thẩm tra. Điều đó không tương xứng, không cân đối về mặt thời gian để các ban có điều kiện phân tích sâu vấn đề.
Bên cạnh đó, sự trùng lắp về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh và trình tự, thủ tục ban hành các quyết định triển khai thực hiện nghị quyết của UBND tỉnh sẽ là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho chính sách đã được ban hành chậm đi vào cuộc sống.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Phan Thị Điệp cho rằng khó khăn nổi bật nhất, cơ bản nhất, là cơ quan soạn thảo khi gửi dự thảo nghị quyết còn chậm so với những quy định của luật mới. Đặc biệt, việc ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, theo quy định của luật rất chặt chẽ, thủ tục nhiều, nhất là cần thời gian dài, trong đó quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng tác động, đăng lên cổng thông tin để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo.
Nhưng thực tế chưa làm tốt vì thói quen, cách làm cũ của cơ quan tham mưu, tâm lý cứ làm từ từ và chỉ chú trọng về mặt nội dung, chưa quan tâm nhiều đến quy trình, thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên khi HĐND nhắc nhở mới “giật mình” trễ rồi nên việc lấy ý kiến trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu.
Đoàn chủ tịch điều hành hội nghị. |
“Mặt khác, theo quy định những nội dung trình ra HĐND tỉnh phải nhất thiết xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU). Tâm lý của các cơ quan trình này là Ban TVTU đã cho ý kiến rồi thì bằng giá nào HĐND cũng thông qua. T
rong khi đó, về thẩm quyền Ban TVTU chỉ cho ý kiến về nội dung, chủ trương chứ không nắm quy trình, cho nên ở tỉnh Tây Ninh có những nội dung Ban TVTU cho ý kiến rồi nhưng qua thẩm tra của các ban thì không đúng quy trình, không đúng thủ tục nên phải “nợ” lại nội dung này, chuẩn bị cho kỳ sau” - bà Phan Thị Điệp chia sẻ.
Thường xuyên kiểm tra, nâng chất thẩm tra
Trước những khó khăn, vướng mắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhiều địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong hoạt động. Phó chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải chia sẻ 4 kinh nghiệm nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND là “chuẩn bị từ xa, thường xuyên kiểm tra, nâng chất thẩm tra, lắng nghe chuyên gia” .
Theo đó, HĐND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan xây dựng đề án, tờ trình phải xác định vấn đề cụ thể, chính xác và trình cho HĐND thành phố trước một thời gian dài, khoảng 60 ngày trước kỳ họp; thường xuyên kiểm tra tiến độ việc chuẩn bị đề án, tờ trình của các cơ quan chức năng; các ban HĐND phải trực tiếp phản biện với các cơ quan chuẩn bị đề án, tờ trình đồng thời các ban HĐND phải mở rộng làm việc với các đơn vị liên quan để xác định vấn đề toàn diện, chính xác hơn; vừa phát huy vai trò thành viên trong các ban HĐND vừa lắng nghe ý kiến góp ý, tư vấn, trao đổi của đội ngũ chuyên gia.
Để dự thảo nghị quyết các dự án, tờ trình được thẩm tra kỹ lưỡng, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, chia sẻ kinh nghiệm từ Đồng Nai là các ban HĐND tham gia ngay từ đầu khi các cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo dự án, tờ trình mới kịp thời gian, vì nếu đợi đến ngày cơ quan soạn thảo trình ra sẽ không kịp.
Nhất trí quan điểm của Đồng Nai, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Lâm Đồng Dương Thị Ngà cũng cho rằng, nếu các ban HĐND tham gia ngay từ sớm sẽ kịp thời phát hiện được những vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ để yêu cầu các cơ quan tham mưu bổ sung, điều chỉnh sớm. Nếu không, phải đề nghị đưa ra khỏi chương trình kỳ họp để nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh và thông qua vào kỳ họp lần sau.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị trong thời gian tới cần chú trọng, thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo hơn, khắc phục tính hình thức khi lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết theo quy định; cần xác định rõ nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt đối với dự thảo nghị quyết có tác động sâu rộng đối với đời sống nhân dân, liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội, phúc lợi, môi trường ở địa phương. Đây là việc quan trọng nhằm phát huy trí tuệ tập thể, trí tuệ của nhân dân nhằm đảm bảo chính sách khi ban hành có tính khả thi cao
Tăng cường giám sát các nghị quyết đã được ban hành Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao việc tổ chức hội nghị giao ban thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ hàng năm. Đây là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm hoạt động của thường trực HĐND các tỉnh khu vực Đông Nam bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND theo quy định của pháp luật. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các địa phương bên cạnh việc xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật theo đúng quy trình cũng cần chú trọng công tác triển khai thực hiện nghị quyết sau kỳ họp HĐND, tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí nhằm tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân; tăng cường giám sát các nghị quyết đã được ban hành. |
Ngọc Thư