Chiều 3-1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Chiều 3-1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Quang Huy khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo năm 2016. |
Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời dành nhiều thời gian thảo luận, tìm giải pháp khắc phục một số tồn tại hạn chế hiện nay trong công tác tuyên giáo, trong đó có việc ngành tuyên giáo cần làm gì, có hiến kế gì cho cấp ủy để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc trong học tập nghị quyết; học tập nghị quyết còn hình thức, chểnh mảng.
Nâng ý thức học tập nghị quyết
Năm 2017, ngành tuyên giáo đã đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó trọng tâm là tham mưu tuyên truyền, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của đất nước, địa phương; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và cả nước; tiếp tục tham mưu chương trình cập nhật kiến thức cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tổ chức điều tra dư luận xã hội về thực hiện chỉ thị, nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới và giải pháp xây dựng nông thôn mới có hiệu quả ở Đồng Nai; tổ chức hội thảo khoa học về vai trò của công tác tuyên giáo trong tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh... |
Đồng chí Ngô Ngọc Em, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phú, chia sẻ để khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc trong học tập nghị quyết, cách của huyện Tân Phú đã làm là điểm danh. Với số người không đi học, ban tổ chức gửi danh sách về đơn vị quản lý. Tuy nhiên, nếu quản lý chặt quá rất dễ “mất lòng”, do vậy quan trọng vẫn là nâng cao ý thức học tập của mọi người. Tuy nhiên, việc học tập nghị quyết hiện nay đang ở tình trạng: đầu giờ đầy đủ, đến giờ giải lao hao dần.
Đồng chí Chu Thị Mây, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trảng Bom, nêu kinh nghiệm trước đây có người đi học nghị quyết đem cả máy tính đến hội trường để chơi game. Từ khi huyện thành lập tổ kiểm tra học tập nghị quyết, tình trạng này đã được khắc phục. Khi tổ kiểm tra học tập nghị quyết đến kiểm tra bất kỳ, phát hiện người học không nghiêm túc sẽ lập biên bản, rồi tham mưu cấp ủy xử lý. Qua đó, chất lượng học tập chỉ thị, nghị quyết ở huyện Trảng Bom ngày càng nâng cao với 98,9% cán bộ, đảng viên và 86,4% đoàn viên, hội viên tham gia học tập nghị quyết.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhơn Trạch Dương Văn Em nêu vấn đề, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập 27 biểu hiện suy thoái, trong đó biểu hiện thứ 3 đã được chỉ ra: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Đây là cơ sở thuận lợi để ban tuyên giáo các cấp tham mưu cấp ủy chỉ đạo sâu về tinh thần học tập chỉ thị, nghị quyết của cán bộ, đảng viên.
Từ cơ sở của Nghị quyết Trung ương 4, đồng chí Trần Văn Giới, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, cho rằng phải có chế tài xử lý cán bộ, đảng viên không nghiêm túc học tập chỉ thị, nghị quyết. Học tập nghị quyết chưa nghiêm túc là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, ở góc độ khác đồng chí Giới lại nhìn nhận việc học tập nghị quyết của cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc có vai trò của báo cáo viên. Một vở kịch hay, một bộ phim hay sẽ thu hút người xem; báo cáo viên nói hay, hấp dẫn người nghe, ngắn gọn, súc tích, phù hợp từng đối tượng sẽ không có người ngồi nói chuyện, đọc báo, làm việc riêng…
Tài liệu tuyên truyền còn thiếu
Ngoài vấn đề về học tập nghị quyết, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Đức Hóa đã đề cập đến vấn đề tài liệu tuyên truyền cho ngành tuyên giáo. Theo đồng chí, hiện nay tài liệu tuyên truyền các sự kiện lớn còn thiếu và không kịp thời. Mỗi khi có sự kiện được dư luận xã hội quan tâm, cán bộ tuyên giáo rất lúng túng vì không có tài liệu chính thống để định hướng, tuyên truyền nhằm ổn định tình hình xã hội.
Trong khi đó, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Biên Hòa nêu thực trạng Biên Hòa rất muốn trẻ hóa đội ngũ làm công tác tuyên giáo ở xã, phường nhưng với chế độ, chính sách như hiện nay sẽ không thu hút được cán bộ trẻ làm công tác tuyên giáo. Nếu bố trí cán bộ trẻ làm công tác tuyên giáo, lập tức họ xin nghỉ việc ngay. Vì thế, nhiều nơi phải động viên cán bộ về hưu làm công tác tuyên giáo xã, phường. Ngành tuyên giáo cũng nên quan tâm nhiều hơn đến việc cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ tuyên giáo tham gia học tập các lớp cao cấp lý luận chính trị, cao học để nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết khi những hạn chế đã được nhận diện rõ thì phải kiên quyết sửa chữa. Nhiệm vụ năm 2017 của ngành tuyên giáo không ít hơn năm 2016. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp; sự phối hợp với các đơn vị, địa phương; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ tuyên giáo, toàn ngành cần phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phương Hằng