Trong năm 2016, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai nhiều kế hoạch và chương trình hành động.
Trong năm 2016, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai nhiều kế hoạch và chương trình hành động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các giải pháp mà chính quyền các cấp đã đề ra.
Tác động xấu từ “tham nhũng vặt”
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2016 qua công tác thanh tra đã phát hiện 2 vụ tham nhũng. Đối với cơ quan điều tra, đã thụ lý 4 vụ án tham nhũng với 8 bị can liên quan. Viện Kiểm sát và tòa án các cấp đã thụ lý 6 vụ, 17 bị can (một số vụ từ năm 2015 chuyển qua). Đến nay, đã đưa ra xét xử được 3 vụ, 7 bị cáo; 1 vụ, 2 bị can được chuyển tội danh từ tham ô sang cố ý làm trái. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, số vụ tham nhũng được phát hiện thông qua công tác thanh tra trong năm 2016 không nhiều, nhưng tính chất của các vụ tham nhũng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý cán bộ và dư luận không tốt trong dân.
Như vụ phát hiện kế toán và Chủ tịch UBND xã Ngọc Định (huyện Định Quán) có hành vi tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Kết quả thanh tra xác định, Chủ tịch UBND xã Ngọc Định Lý Chân Lý có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm gây thất thu ngân sách gần 90 triệu đồng. Riêng kế toán Nguyễn Minh Hoàng Kiều Như có dấu hiệu tham ô tài sản hàng chục triệu đồng. Sau khi hoàn tất hồ sơ, cơ quan thanh tra đã chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, qua công tác thanh tra tại Trường tiểu học Thái Hiệp Thành (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) đã xác định nhiều sai phạm của hiệu trưởng. Sau khi vào cuộc, cơ quan công an xác định nguyên Hiệu trưởng Vương Thái Hùng đã có hành vi chiếm đoạt hàng chục triệu đồng từ nguồn bảo hiểm xã hội của học sinh từ năm 2011-2015.
Cụ thể, vào năm 2011 sau khi nhận kinh phí tạm ứng tiền chăm sóc y tế ban đầu cho học sinh khoảng 130 triệu đồng, ông Hùng đã chỉ đạo kế toán và thủ quỹ không nhập vào quỹ, không mở sổ sách kế toán ở bộ phận tài vụ để hạch toán việc thu chi mà giao cho ông quản lý, để rồi chi tiêu cá nhân.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định số tiền thâm lạm ông Hùng mới quyết toán với Bảo hiểm xã hội huyện Long Thành hơn 16 triệu đồng; nộp quỹ nhà trường 11 triệu đồng và một số khoản chi có chứng từ hơn 3,7 triệu đồng; còn lại hơn 98 triệu đồng ông chiếm đoạt. Ngoài ra, ông Hùng còn có những sai phạm trong việc quản lý thu, chi tiền của hội phụ huynh học sinh.
Trong kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2016, nhiều đại biểu cho rằng những vụ thâm lạm kiểu này tính chất không quá nghiêm trọng, nhưng xảy ra tại các cơ quan công quyền nên gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, các vụ việc này đã khiến dư luận rất bức xúc trước sự biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới tình hình tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục diễn biến với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trên một số lĩnh vực, như: ngân hàng, tài chính - kế toán, đất đai, thuế, thực hiện các chế độ chính sách…, cần tập trung các giải pháp để đấu tranh, phòng ngừa. Một trong những nội dung được các cấp, ngành và chủ trương đã đề ra, đó là xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng, sai phạm tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Bàn về vấn đề này, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vàng cho biết trong thời gian qua, các cấp lãnh đạo đã ban hành nhiều chỉ thị để chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Ngoài việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng theo các quy định của pháp luật, cơ quan chức năng cũng đặt trách nhiệm đối với người đứng đầu. Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng là đúng với chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước, tuy nhiên trong từng trường hợp cũng cần phải có sự linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp chế tài.
Theo đó, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ động xác minh, phát hiện sai phạm, tham nhũng của cán bộ ngành mình, đơn vị mình quản lý thì không thể nói người đứng đầu có hành vi bao che, dung túng. Thực tế, nếu người đứng đầu đã chủ động “khui ra” thì hoàn toàn có thể biểu dương tinh thần này. Đối với những trường hợp bao che, dung túng thì phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe. “Cơ quan, đơn vị có phát hiện tham nhũng chưa hẳn là đơn vị yếu kém. Ngược lại, những đơn vị không phát hiện sai phạm chưa chắc là đơn vị toàn diện” - ông Vàng nhận định.
Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vàng cho biết thực tế hiện nay khi một cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, sau khi xử lý có kết quả thì đơn vị đó mất thành tích, người đứng đầu cũng bị xem xét kỷ luật. Với những quy định này, thường khi xảy ra sai phạm người đứng đầu không muốn trình báo sự việc mà tự giải quyết nội bộ.
Theo ông Vàng, để phát hiện những sai phạm trong các cơ quan công quyền, ngoài công tác thanh, kiểm tra của các đơn vị có thẩm quyền thì việc chủ động tố cáo của các cá nhân, người dân liên quan luôn là kênh thông tin quan trọng. Và để tiếp nhận thông tin từ người dân, thời gian qua Ban Nội chính Tỉnh ủy đã triển khai hộp thư điện tử (email), nhằm tiếp nhận thông tin phản ảnh về hành vi tham nhũng từ người dân.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm cho rằng việc lập hộp thư tố giác tội phạm là kênh thông tin quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các biểu hiện vi phạm pháp luật, nhất là những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Trần Danh