Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ chồng cùng làm chuyện bao đồng

10:09, 25/09/2016

Khi thấy rác thải nằm ngổn ngang không ai dọn dẹp, bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng, vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng (ngụ ấp 7, xã Phú An, huyện Tân Phú) đã chủ động dọn dẹp.

Khi thấy rác thải nằm ngổn ngang không ai dọn dẹp, bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng, vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng (ngụ ấp 7, xã Phú An, huyện Tân Phú) đã chủ động dọn dẹp.

Vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng cùng nhau dọn dẹp rác tại khu vực buôn bán phía trước Chợ 42.
Vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng cùng nhau dọn dẹp rác tại khu vực buôn bán phía trước Chợ 42.

Nhờ hành động của vợ chồng cựu chiến binh - cựu thanh niên xung phong này mà môi trường quanh khu vực buôn bán phía trước Chợ 42 được cải thiện đáng kể, những nhà sống quanh đây không phải chịu mùi hôi thối như trước kia.

Cùng làm việc chung

Vừa cùng vợ quét rác tại khu vực buôn bán của các tiểu thương, ông Bùi Văn Hạ vừa chia sẻ về nguyên nhân “đưa đẩy” vợ chồng ông đến với công việc ít người muốn làm này. “Nhà tôi ngay khu vực này nên hàng ngày đi qua đi lại cứ thấy bịch ny-lông, lá cây, nước thải... bị xả đầy phía trước Chợ 42 (được xây dựng mới tại xã Phú An, huyện Tân Phú) mà không được dọn dẹp nên tôi rất khó chịu. Vậy là vợ chồng tôi cùng động viên nhau mang chổi, nhặt rác cho vào những bao tải để bên vệ đường chờ xe rác đến mang đi. Việc làm này đã theo vợ chồng tôi hơn 10 năm qua” - ông Hạ nói.

Qua tìm hiểu thêm từ phía người dân sống quanh khu vực cũng như tiểu thương trực tiếp buôn bán tại đây, chúng tôi được biết nếu không có tinh thần trách nhiệm vì cộng động của vợ chồng ông Hạ - bà Hằng thì không biết nơi đây sẽ bẩn đến mức nào. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, tiểu thương buôn bán vải tại đây: “Dù tôi cũng như những người khác có ý thức nhưng cũng chỉ dọn dẹp sạch sẽ nơi buôn bán của mình, còn rác nằm ngoài sạp hàng thì thôi. Vậy nên rác do khách đi chợ, xe hàng bỏ mối để lại, rồi sình lầy, nước đọng cũng chẳng có ai quan tâm vì không liên quan đến nơi buôn bán của họ. Do đó, khi vợ chồng ông Hạ - bà Hằng đến dọn dẹp là ai cũng vui”.

Phút thư giãn vui đùa bên con cháu của vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng.
Phút thư giãn vui đùa bên con cháu của vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng.

Để động viên tinh thần vợ chồng ông Hạ, gần 40 tiểu thương buôn bán cố định tại đây đã tự động đóng góp 1 ngàn đồng/ngày làm tiền trả công và UBND xã Phú An cũng ký hợp đồng giao ông Hạ, bà Hằng đảm nhận việc dọn dẹp, thu tiền đóng góp của mọi người. Song, số tiền này vợ chồng ông cũng không nhận cho riêng mình mà dùng hơn 1 triệu đồng đóng cho UBND xã để thuê xe đến chuyển rác, số tiền còn lại dùng để mua chổi mới, quần áo bảo hộ lao động, bao tay, giày đi mưa để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Gương sáng của xóm làng

Công việc ý nghĩa, minh bạch trong sử dụng tiền bạc đóng góp của tiểu thương là vậy nhưng không ít người vẫn có thái độ giễu cợt với hành động đẹp của đôi vợ chồng tốt bụng này. Ông Hạ bùi ngùi nhớ lại những chuyện không vui trước kia: “Ban đầu, khi chúng tôi ra quét dọn, nhắc nhở bà con ở khu vực này giữ gìn vệ sinh chung thì vẫn có một vài người xem chúng tôi là người quá rảnh rỗi nên thích lo chuyện bao đồng, ưa xen vào chuyện sinh hoạt của họ. Tệ hại hơn là họ còn bảo chúng tôi đã có của ăn của để mà vẫn tham lam lượm nhặt từng đồng lẻ. Nghe vậy, không chỉ vợ chồng tôi mà cả 4 đứa con cũng rất buồn và khuyên thôi đừng làm nữa”.

Theo ông Lê Văn Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Phú An, hành động vì cộng đồng của vợ chồng ông Bùi Văn Hạ - bà Trần Thị Hằng là rất đáng quý. Để biểu dương cũng như tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân trong xã cùng có những việc làm vì cộng đồng, vừa qua Đảng ủy xã đã chọn tấm gương ông Hà và bà Hằng làm bài dự thi kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016 do Huyện ủy tổ chức. Qua đó, việc làm của đôi vợ chồng sống có trách nhiệm với cộng đồng đã được nhiều người biết đến.

Vậy nhưng vợ chồng ông Hạ - bà Hằng vẫn làm điều họ cho là đúng. Đến nay, mọi người rất quý đôi vợ chồng lo chuyện bao đồng này. Bà Trần Thị Hương, một tiểu thương bán trái cây, nói: “Thấy vợ chồng ông Hạ nhận của mỗi người 1 ngàn đồng/ngày, mọi người có thể hiểu lầm là họ nghèo khó lắm. Song gia đình ông Hạ không phải nghèo mà là có cuộc sống sung túc, đầy đủ. Dù vậy, nhưng cứ 8 giờ sáng hàng ngày là vợ chồng ông lại ra đây quét dọn rác mà không đòi hỏi, kể công bao giờ nên chúng tôi rất khâm phục và ai cũng noi theo để cùng có ý thức bảo vệ môi trường sống”.

Không chỉ có việc làm tích cực với cộng đồng, gia đình nhỏ của ông Bùi Văn Hạ và bà Trần Thị Hằng còn là điển hình của địa phương trong việc giáo dục đạo đức, chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Hiện cả 4 người con của ông bà đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghiệp, lâm nghiệp. “Đây là điều làm tôi cảm thấy vui mừng và tự hào nhất trong cuộc sống” - ông Hạ nói.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều