Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám sát và phản biện xã hội: Phải có năng lực và bản lĩnh

11:08, 10/08/2016

Sáng 10-8, tại Đồng Nai đã diễn ra hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Sáng 10-8, tại Đồng Nai, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng và chính quyền với nhân dân.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: P.Hằng
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: P.Hằng

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Dự hội nghị có 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trực thuộc Trung ương, từ Đà Nẵng trở vào và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Về phía Đồng Nai có các đồng chí: Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực các cấp ủy, lãnh đạo Ban Dân vận, MTTQ, đoàn thể các cấp trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu không đề cập quá nhiều đến thành tích, kết quả thực hiện mà tập trung rút ra bài học, hạn chế, giải pháp trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như việc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp với nhân dân trong thời gian tới.

Tất cả các tham luận tại hội nghị khẳng định, Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đã được các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai. Ở đâu có giám sát, phản biện xã hội và đối thoại trực tiếp với dân sẽ phát hiện được những hạn chế trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách, giúp định hướng lãnh đạo tốt hơn, phù hợp thực tế; hạn chế được những điểm “nóng” và khiếu kiện kéo dài, đem lại niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

* Chưa tự tin

Tuy nhiên, đồng chí Phạm Ngọc Chính, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận, nêu tình trạng vẫn còn không ít cấp ủy, chính quyền, đoàn viên, hội viên nhận thức thiếu sâu sắc về ý nghĩa của Quyết định 217, 218, hoặc thực hiện cũng rất lúng túng, chưa tự tin, ngại va chạm. Các cơ quan được giám sát còn đối phó với chủ thể giám sát. Một số tổ chức MTTQ và đoàn thể chưa quan tâm giám sát việc thực hiện kết luận sau giám sát. Một số cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với nhân dân chưa huy động được ý kiến nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, chủ yếu nêu quyền lợi, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân.

Ở góc độ khác, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Lý chia sẻ việc giám sát của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là việc làm mới, còn khó khăn. Thời gian qua việc giám sát của Hội Nông dân chủ yếu được thực hiện ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Một số cán bộ ở địa phương chưa nhận thức đúng giữa giám sát của MTTQ và đoàn thể với giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương nên không xác định rõ nội dung, phương thức giám sát của đoàn thể. Việc chi kinh phí cho hoạt động giám sát của đoàn thể còn phụ thuộc vào chính quyền từng địa phương, vì Bộ Tài chính chưa quy định rõ về việc này. Cho nên, việc giám sát ở địa phương chỉ chung chung, chưa đi sâu những bức xúc của nhân dân.

Trong khi đó, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp Lý Văn Giàu đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể ở Trung ương nên tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, phản biện xã hội cho cấp dưới. Đồng thời, có thể làm mẫu một số hoạt động giám sát để các địa phương học theo.

* Việc gì có lợi cho dân thì làm

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trọng Ánh Đông tâm sự, khi Quyết định 217, 218 ra đời có tâm lý sợ. Sợ mình đi giám sát người ta, mình nắm luật không chắc, mình run, không biết giám sát cái gì. Song, nhiều người bây giờ đã suy nghĩ, phải vượt lên chính mình, cứ mạnh dạn làm rồi dần dần hoàn thiện kỹ năng. Phải biết phối hợp giám sát của MTTQ với giám sát của HĐND. Còn về kinh phí giám sát theo Quyết định 217, 218, tỉnh Lâm Đồng rất ưu ái, mỗi năm MTTQ và đoàn thể được cấp 1 tỷ đồng để thực hiện giám sát, riêng MTTQ được cấp 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, có kinh phí nhưng nhiều lúc không dám xài vì thiếu định mức chi. Trung ương cần có hướng dẫn chi hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể như chi giám sát của HĐND.

Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tại hội nghị.
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã đặt vấn đề về phát biểu của đại biểu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh “khi giám sát, phản biện xã hội phải có động lực”, đồng chí Mai cho rằng động lực ở đây chính là cứ cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cả hệ thống chính trị phải làm. MTTQ và các đoàn thể có thể lựa chọn bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bộ máy, chủ trương, chính sách, đời sống nhân dân để giám sát, không giám sát những vấn đề từ suy nghĩ của người lãnh đạo.

Trong cuộc sống, có vấn đề người này thích nhưng người khác không thích, khó chấp nhận những ý kiến gay gắt về mình nhưng cứ việc gì vì dân thì phải đồng lòng giải quyết, kiên trì thực hiện. Khi giám sát, MTTQ và các đoàn thể phải lựa chọn đúng vấn đề, sát thực tế. Nếu không lựa chọn vấn đề có hiệu quả thì dân không tin tưởng mình. Khi dân tin MTTQ cũng là tin Đảng. Muốn giám sát, phản biện xã hội tốt phải có năng lực và bản lĩnh, có năng lực mà không có bản lĩnh thì không dám nói, không dám đưa ra ý kiến của mình.

Đồng chí Trương Thị Mai còn đề cao vai trò thông tin đại chúng trong giám sát và phản biện xã hội. MTTQ và các đoàn thể phải biết sử dụng báo chí trong giám sát các cơ quan chức năng xem có thực hiện, giải quyết những kết luận sau giám sát hay không.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu. Vị trí vai trò của công tác dân vận ngày càng được khẳng định và nâng cao, góp phần tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh. Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác dân vận là một trong những nội dung rất quan trọng gắn với công tác xây dựng Đảng, là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Phương Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều