Nhắc đến ông Nguyễn Văn Quán (ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) ngoài vai trò là một nông dân sản xuất giỏi, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông còn là tấm gương về tấm lòng nhân ái với người nghèo cũng như trách nhiệm với quê hương.
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Quán (ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) ngoài vai trò là một nông dân sản xuất giỏi, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông còn là tấm gương về tấm lòng nhân ái với người nghèo cũng như trách nhiệm với quê hương.
Ông Nguyễn Văn Quán, ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ (bên trái) giao xe máy cho người lao động để họ làm phương tiện đi lại. |
Hiện ông Quán đang cưu mang và tạo việc làm cho 6 cặp vợ chồng nghèo từ các tỉnh, thành tha hương đến xã Bảo Bình mưu sinh. Đặc biệt, ông còn chủ động hiến đất, góp tiền làm đường giao thông, xây nhà cho người nghèo.
* Nỗ lực trong lao động
Ông Nguyễn Văn Quán cho hay: “Trước đây, tôi cũng chật vật lắm, vốn không có, hàng ngày vẫn phải đi làm thuê cho người trong xã để có tiền sinh sống. Qua đó, tôi nhận thấy năng suất từng loại cây trồng chẳng là bao. Nguyên nhân cũng bởi thói quen của nông dân là cứ trồng xen vào nên nhìn thì nhiều song số lượng từng cây trồng rất ít. Vậy là tôi quyết định thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, thâm canh một loại cây trồng cố định”.
Muốn có vốn thực hiện điều ông nghĩ, ông Quán phải vay mượn bạn bè người thân để đầu tư giống cây mới. Nhưng không phải cây trồng mới nào cũng thích hợp. “Để tìm ra loại cây trồng thích hợp như hiện nay, những năm đầu tôi phải thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau. Khi thấy không phù hợp là tôi phá bỏ để tìm đến với cây trồng khác nên vốn bỏ ra nhiều mà thu nhập trong những năm đầu chẳng là bao” - ông Quán chia sẻ.
Nhưng rồi đất không phụ người, cuối cùng qua sự tư vấn của bạn bè cộng với kinh nghiệm của bản thân, ông Quán đã mạnh dạn chuyển sang đầu tư cây có múi và cây công nghiệp ngắn ngày dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thành công đã đến với người nông dân này. Ông Quán cho biết thêm: “Khi có thu nhập cao từ tiền bán nông sản, tôi tích góp và nghe ai ở trong khu rẫy bán đất là tìm đến mua. Vốn không nhiều nên mỗi lần chỉ mua được vài sào đất, có đất rồi tôi đầu tư cải tạo vườn và đưa giống cây trồng mới vào chăm sóc ngay. Cứ mua đất, hoán đổi đất theo kiểu cuốn chiếu như vậy mà qua 20 năm tôi đã có gần 22 hécta đất liền thửa. Điều này có ý nghĩa lớn lắm vì như vậy dễ đầu tư đồng bộ, việc quản lý lại dễ dàng”.
Không giữ bí quyết, kinh nghiệm trong sản xuất để làm giàu cho bản thân mà ông Quán còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân xung quanh. “Hàng ngày, tại khu vườn của ông Quán luôn có người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Những ai đến đây đều được ông Quán tiếp đón nhiệt tình. Hiện ông Quán là một trong số ít những hộ nông dân có diện tích đất canh tác lớn và thành công với các loại cây trồng tại xã Bảo Bình” - ông Võ Duy Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Bình, nói.
* Quan tâm đến người xung quanh
Không chỉ làm kinh tế giỏi, sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm trong sản xuất cho mọi người mà ông Nguyễn Văn Quán còn là tấm gương sáng trong các hoạt động xã hội cũng như xây dựng quê hương.
Cuối tháng 7-2016 vừa qua, trong đợt UBND xã Bảo Bình vận động xây dựng nhà đồng đội cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Vui, nhận thấy giá trị 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà sau khi hoàn thành sẽ khá nhỏ hẹp, ông Quán đã chủ động hỗ trợ thêm 20 triệu đồng để căn nhà của cựu chiến binh này được khang trang hơn. |
Trong đó có việc cưu mang và tạo việc làm cho 6 gia đình nghèo từ nhiều tỉnh, thành khác nhau khi họ đến với vùng đất Bảo Bình để tìm kế sinh nhai. Thay vì chỉ dựng nhà tạm cho người lao động ở như những chủ rẫy khác, ông Quán xây hẳn nhà kiên cố, mua tivi, nồi cơm điện, xe máy và nhiều vật dụng gia đình giao hẳn cho từng gia đình sử dụng. Bà Nguyễn Thị Hờ (54 tuổi, quê Bến Tre), một trong 6 gia đình làm việc tại đây, nói: “Vợ chồng tôi đến xã Bảo Bình làm thuê cũng được hơn 10 năm. Ban đầu công việc lúc có lúc không, không phương tiện đi lại, ăn nhờ ở đậu trên đất người khác. Thấy hoàn cảnh chúng tôi khó khăn, ông Quán đã đưa chúng tôi về làm việc tại rẫy của ông. Ở đây gia đình tôi có nhà cố định để ở, được giao xe gắn máy để đi lại; lúc đau ốm được gia đình ông Quán lo cho mọi chi phí”.
Còn chị Thạch Thị Thanh (quê tỉnh Trà Vinh) thì cho biết: “Gia đình không chỉ được hưởng sự quan tâm như hộ bà Nguyễn Thị Hờ mà 2 con nhỏ của tôi còn được ông Quán cho đi học tại trường mẫu giáo của xã. Để thuận tiện đưa đón con đi học, tôi được đến muộn, về sớm hơn so với những người cùng làm việc khác. Mảnh đất xung quanh nhà được ông Quán khuyến khích gia đình tôi nuôi thêm gà, vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày”.
Ông Võ Duy Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Bình, cho hay khi con đường giao thông dài 1,6km trong ấp bị hư hại nặng và cần 150 triệu đồng để sửa chữa, trong khi bà con chỉ mới đóng góp được 40 triệu đồng, ông Quán đã chủ động đóng góp số tiền còn thiếu hụt, tự nguyện cho đơn vị thi công lấy đất đá trong vườn để nâng cao mặt đường. Nhờ vậy mà con đường dẫn vào nhà của hàng chục hộ dân đã rộng rãi và sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Sắp tới đây ông Quán còn đăng ký với chính quyền địa phương thực hiện nâng cấp con đường này thành đường bê tông để việc đi lại của bà con trong ấp càng thuận tiện hơn.
Sông Thao