41 năm đã trôi qua, trở về với cuộc sống đời thường, ký ức về một thời hào hùng, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" vẫn còn khắc sâu trong tâm thức của những người lính cụ Hồ năm xưa.
41 năm đã trôi qua, trở về với cuộc sống đời thường, ký ức về một thời hào hùng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn còn khắc sâu trong tâm thức của những người lính cụ Hồ năm xưa.
Mỗi lần trở về nghĩa trang thắp nhang cho đồng đội trong những ngày tháng 4, ký ức một thời đấu tranh gian khổ, hy sinh trong tâm trí ông Lê Lương Tuân, cựu chiến binh hiện ở phường Bình Đa
(TP.Biên Hòa), như được tái hiện thêm lần nữa.
* Nhân chứng “Tháng Tư”
Sau hơn 10 năm trực tiếp chiến đấu cùng với đồng đội tại Đại đội 10, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) ở địa bàn đường 13 và các khu vực khác (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay), tháng 3-1973, ông Lê Lương Tuân chuyển sang làm công tác hậu cần lo thức ăn, nước uống, chỗ ở cho đồng đội. Không trực tiếp chiến đấu nhưng trong suốt quá trình này ông vẫn theo dõi sát diễn biến cuộc chiến.
Cựu chiến binh Trịnh Ngọc Ước (đội mũ thứ 3 từ phải qua), hiện ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), người chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. |
Cuối năm 1974, đầu năm 1975 sau khi giải phóng Đồng Xoài, Phước Long, đơn vị của ông tham gia giải phóng Lâm Đồng, tiến xuống giải phóng huyện Định Quán, quay về giải phóng Long Khánh. Ông Lê Lương Tuân cho biết khi tiến quân xuống Long Khánh, đơn vị của ông gặp không ít khó khăn. Trận đánh rất ác liệt khiến cho cả ta và địch đều bị tổn thất, thương vong. Từ “đánh nhanh, thắng nhanh” đơn vị ông đã chuyển sang chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc” đã góp phần giải phóng Long Khánh. Trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn, đơn vị ông vẫn tiếp tục chiến đấu với tàn quân của địch. Tuyến xa lộ Hà Nội lúc ấy, áo, mũ mà địch cởi bỏ trên đường vẫn được chúng đặt mìn cản bước tiến của ta. “Lúc ấy chỉ cần một bước chân đặt sai vị trí là có thể hy sinh nhưng chúng tôi vẫn không hề chùn bước mà tiếp tục hành quân phối hợp với các đơn vị khác tiến vào giải phóng Sài Gòn” - ông Tuân cho hay.
Theo số liệu thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 31,5 ngàn hội viên. Trong đó, hội viên cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là 16.778 người (chiếm trên 53%), còn lại là hội viên cựu chiến binh trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. |
Có mặt và được chứng kiến thời khắc lịch sử, chiến thắng cuối cùng của dân tộc ngay ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 là vinh dự không phải người lính nào cũng có được. Với người cựu chiến binh Trịnh Ngọc Ước, hiện ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), thì đó là ký ức đẹp không bao giờ nhạt phai trong tâm trí. Ông Ước kể, sau khi có lệnh Tổng động viên năm 1967, ông tham gia quân đội tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2). Từ các trận đánh giải phóng Quảng Trị năm 1972, Trung đoàn 66 của ông tiếp tục giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3-1975 và tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Trên đường hành quân về Sài Gòn, Trung đoàn 66 tiếp tục chiến đấu giải phóng căn cứ Suối Nước Trong thuộc địa bàn xã Tam Phước (TP.Biên Hòa ngày nay) và xã An Phước (huyện Long Thành). Ông Ước cho biết: “Sáng ngày 30-4 trên vành mũ của chúng tôi đều mang khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và có chung một suy nghĩ dù có phải hy sinh cũng quyết tâm giành cho được độc lập dân tộc”. Trưa ngày 30-4, đơn vị của ông tiến vào Dinh Độc Lập và bản thân ông được chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn. “Tôi cảm thấy rất may mắn khi được chứng kiến thời khắc lịch sử này, bởi để có được giây phút ấy đã có không biết bao nhiêu đồng đội của tôi đã ngã xuống” - ông Ước bộc bạch.
* Chất “lính” trong thời bình
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường, dũng cảm chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Hòa bình lập lại, họ - những người lính năm xưa trở về quê hương hoặc ở lại coi Đồng Nai là quê hương thứ 2 tiếp tục đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung.
Cựu chiến binh Trịnh Ngọc Ước (trái) đang kể lại giây phút chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. |
Nhắc đến chiến thắng 30-4-1975, trong ký ức của cựu chiến binh Đặng Văn Hải, hiện ở xã Long Đức (huyện Long Thành), luôn tự hào vì bản thân ông đã đóng góp công sức vào thành quả ấy trong việc chiếm giữ cầu Phước Thiền giúp cho đoàn quân giải phóng vào giải phóng Nhơn Trạch, qua Cát Lái tiến về phối hợp với các mũi tấn công giải phóng Sài Gòn kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Đất nước thống nhất chưa lâu, quân và dân ta lại tiếp tục đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và ông Hải một lần nữa cầm súng lên đường. Ngày đất nước không còn tiếng súng, ông trở về công tác trong quân đội, rồi tham gia công tác tại Huyện ủy Long Thành và từ năm 2007 đến nay ông tham gia Hội Cựu chiến binh huyện Long Thành. Ông luôn đi đầu trong các phong trào của Hội như bảo vệ an ninh Tổ quốc; hòa giải; chăm lo, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Với những đóng góp ấy, năm 2014, ông Đặng Văn Hải vinh dự được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2009-2013.
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lê Văn Liên chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi được đóng góp công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho nhân dân và hôm nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những người đã đi qua chiến tranh như chúng tôi là những người hiểu hơn ai hết cái giá “đắt” của chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi hy vọng thế hệ hôm nay cần hiểu sâu sắc điều này, đừng chủ quan mà phải học, phải phấn đấu bởi cái biết lớn nhất của mỗi người không nằm ở học hàm, học vị mà nằm ở đạo lý, biết đối nhân, xử thế cho đúng mực”. |
Theo ông Lê Văn Liên, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, hội viên Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đến từ mọi miền đất nước. Những người lính dũng cảm, kiên cường trong kháng chiến, trong thời bình mỗi người một hoàn cảnh sống song phẩm chất bộ đội Cụ Hồ năm xưa vẫn được cựu chiến binh phát huy. Họ gương mẫu tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền; tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, nhất là các lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới; chăm lo, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững góp phần vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo là cựu chiến binh chỉ chiếm 0,67% và trong 5 năm gần đây, có khoảng trên 3 ngàn cựu chiến binh đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi…
Nga Sơn