Đến xã Long Phước (huyện Long Thành), chúng tôi được nghe nhiều người dân và hội viên cựu chiến binh (CCB) địa phương khen ngợi tấm lòng vì dân của CCB Phan Thanh Chính (71 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành).
Đến xã Long Phước (huyện Long Thành), chúng tôi được nghe nhiều người dân và hội viên cựu chiến binh (CCB) địa phương khen ngợi tấm lòng vì dân của CCB Phan Thanh Chính (71 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành).
Ông Phan Thanh Chính (phải) đang trao đổi chuyện làm đường với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Long Phước. |
Ông Chính là người đã bán 1,3 ngàn m2 đất lấy tiền làm con đường liên xã để người dân địa phương đi lại được dễ dàng.
* Một thời trận mạc
Ông Chính sinh ra và lớn lên ở xã Long Phước, mảnh đất vốn giàu truyền thống cách mạng. Năm 17 tuổi (1962), ông thoát ly theo cách mạng và làm chiến sĩ cơ yếu cho Tỉnh đội U1 Biên Hòa. Trong suốt giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông cùng đồng đội vượt qua biết bao gian khổ, bám sát Chiến khu Đ phục vụ cho công tác tác chiến của Đặc công U1 Biên Hòa và các đơn vị thuộc U1.
Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, rồi đến Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972…, ông đã nhận, chuyển phát hàng trăm cuộc điện đàm chỉ đạo của cấp trên cho U1, cũng như các thông báo, chỉ đạo tình hình chiến trường của lãnh đạo, chỉ huy U1 cho các đơn vị cấp dưới đảm bảo bí mật, không để lọt, lộ thông tin, không gây thiệt hại cho các mũi tiến công của quân ta khi đánh vào các căn cứ đầu não, kho tàng của địch ở Biên Hòa.
Từ sự tỉ mỉ, chuẩn xác trong việc giải mã các bức điện đàm chỉ đạo và truyền đạt nhanh chóng, chính xác lệnh của cấp trên cho Bộ Chỉ huy tiền phương mặt trận Biên Hòa ra lệnh tiến công bất ngờ vào sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình đã góp phần tiêu diệt và làm thiệt hại nặng sinh lực địch, làm nên chiến thắng to lớn của quân và dân ta.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Chính trở về cuộc sống đời thường và kết duyên với bà Đỗ Thị Hạnh, người nữ du kích xinh đẹp, gan dạ của xã Phước Nguyên (nay là xã An Phước, huyện Long Thành) mà ông đã gặp và thầm yêu trong một lần theo đơn vị đến Long Thành công tác.
* Chia sẻ nỗi khổ với dân
Về với cuộc sống đời thường, vợ chồng ông Chính được Nhà nước cấp cho 4 sào đất ruộng ở khu vực đập Suối Cả, xã Long Phước để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhờ tích cực lao động, vợ chồng ông đã dành dụm được chút vốn mua 4,5 hécta đất rẫy ở ấp Xã Hoàng, xã Long An (huyện Long Thành) trồng cao su và dời nhà đến đây định cư.
Nhiều năm chăm lo lao động, đến năm 2000, vợ chồng ông Chính đã có vườn cây cao su cho thu nhập ổn định. Nhưng thời vàng son ấy không kéo dài được lâu, mủ cao su liên tục rớt giá khiến cuộc sống của gia đình ông hiện đối diện với nhiều khó khăn.
Nghe chúng tôi hỏi lý do bỏ cả trăm triệu đồng làm đường cho dân đi, trong khi bản thân và vợ con đang mang trong người nhiều căn bệnh do di chứng của chất độc da cam/dioxin để lại, ông Phan Thanh Chính mỉm cười chia sẻ: “Tôi thấy điều đó rất đáng làm vì cuộc sống của người dân còn khổ lắm”. |
Tuy vậy, hàng ngày nhìn cảnh người dân các ấp: Xóm Trầu (xã Long An), Xóm Gò, Bà Ký (xã Long Phước)... chịu cảnh khó khăn, đi lại trầy trật trên con đường liên xã đầy “ổ voi, ổ gà”, ông Chính không sao yên lòng. Ước muốn có một con đường mới để giúp mọi người đi lại cho thuận tiện hơn đã thôi thúc ông từ nhiều năm qua.
Phải đợi đến hơn chục năm sau, khi huyện Long Thành chọn xã Long An làm điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông Chính đã bày tỏ nguyện vọng muốn nâng cấp con đường liên xã với địa phương và Hội CCB xã. Nhận thấy đề nghị của ông Chính rất phù hợp với chủ trương, mục tiêu phấn đấu thực hiện phong trào “CCB chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội CCB xã đã ủng hộ và báo cáo với cấp trên cho chủ trương thực hiện.
Để có tiền tu sửa, nâng cấp con đường, đầu năm 2015, Hội CCB xã Long An đã vận động các hộ dân sống ven tuyến đường đóng góp kinh phí. Nhưng vì cuộc sống còn khó khăn, dù hết sức ủng hộ việc làm đường nhưng bà con cũng chỉ đóng góp được gần 38 triệu đồng, quá ít để làm được tuyến đường rải đá cấp phối có chiều dài trên 1,1km, rộng 4,5m.
Trước tình thế đó, ông Chính đã động viên vợ đồng ý bán mảnh vườn cao su của gia đình để ủng hộ chuyện làm đường. Với 150 triệu đồng bán đất đóng góp của vợ chồng ông Chính, chỉ một thời gian ngắn thi công, cuối năm 2015 con đường dân sinh liên xã Long An - Long Phước được nâng cấp (kinh phí trên 180 triệu đồng) và đưa vào sử dụng, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân 2 xã được thuận lợi, an toàn.
Giờ đây, mỗi lần qua lại trên con đường này, nhiều người dân đều bày tỏ sự biết ơn đối với ông Chính, người CCB đã một đời trọn vẹn tình cảm và sự thủy chung đối với dân, với nước.
Đức Việt