Ngày 2-12, tại trụ sở khối nhà nước tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận ở cụm tổ đại biểu HĐND trước kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII (sẽ được tổ chức trong 3 ngày: từ ngày 9 đến 11-12)...
Ngày 2-12, HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận ở cụm tổ đại biểu trước kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII (sẽ được tổ chức: từ ngày 9 đến 11-12). Các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: N.Thư |
Tại phiên thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung bàn các vấn đề, như: giải pháp khắc phục tình trạng còn nhiều dự án chậm triển khai thực hiện; tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, ngập nước cục bộ tại TP.Biên Hòa; tình hình chậm đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp; giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước trước khó khăn, thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế; chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao, học tập cộng đồng chưa thực sự hiệu quả…
Dự án chậm triển khai: do đâu?
Vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi là trong năm 2015 vẫn còn 281 dự án chưa triển khai thực hiện. Trong khi đó, vào năm 2016 UBND tỉnh còn trình thêm 152 dự án sẽ triển khai. Theo các đại biểu, việc UBND tỉnh đưa ra nhiều dự án để thực hiện nhưng lại chưa hoàn thành chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra, liệu có đảm bảo tính khả thi nếu được HĐND tỉnh thông qua?
Đại biểu Huỳnh Văn Tịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho rằng qua tiếp xúc cử tri người dân vẫn còn bức xúc về nhiều dự án triển khai rất chậm, gây khó khăn cho người dân trong cải tạo, sửa chữa, xây dựng, mua bán... Do đó, UBND tỉnh cần rà soát lại quy hoạch, nhất là quy hoạch các dự án trên địa bàn đã được giao đất nhưng chậm triển khai thực hiện. Riêng đối với dự án đầu tư về hạ tầng có sử dụng đất đai lớn, cần quan tâm chủ đầu tư có năng lực triển khai thực hiện ngay; giám sát việc thực hiện đúng tiến độ; nếu chậm hơn so với quy định phải kiên quyết thu hồi, có như vậy pháp luật về đất đai, về xây dựng được thực hiện nghiêm túc.
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng về mặt nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh về rà soát, kiểm tra lại các dự án đã giao trên địa bàn thực ra không thiếu, vấn đề là ở chỗ các sở, ngành, địa phương có làm hay không. Các dự án quy hoạch không có kinh phí triển khai còn có thể thông cảm, nhưng hiện vẫn còn nhiều dự án đã được giao giới thiệu địa điểm rồi để đó, tất nhiên có dự án chậm vì lý do suy thoái kinh tế nhưng cũng có trường hợp phải cân nhắc, xem xét lại. Đơn cử, như quy hoạch Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh kéo dài hơn 10 năm không thực hiện, địa phương báo cáo lên không có ai đăng ký. Nhưng thực tế, có doanh nghiệp phản ánh nộp hồ sơ 2 năm vẫn không được vào. Khi Tỉnh ủy chỉ đạo TP.Biên Hòa báo cáo, trong vòng 2 tháng đã có gần 30 doanh nghiệp đăng ký vào, đến nay có 4-5 doanh nghiệp đăng ký xây dựng. Qua đó cho thấy trong điều hành thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối
Nhiều ý kiến đại biểu cũng kiến nghị trong thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vào cửa ngõ, các tuyến đường trong khu dân cư ra các tuyến đường kết nối ở TP.Biên Hòa đang quá tải. Đại biểu Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông trong nội ô thành phố là một trong những vấn đề lớn cần được quan tâm hơn nữa. Nhiều tuyến đường, khu vực trong nội ô, như: Bùi Văn Hòa, Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, ngã tư Amata, ngã tư Tân Phong... vào giờ cao điểm đông không kém gì ở TP.Hồ Chí Minh, tình trạng kẹt xe tương đối rộng.
Lý giải vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho biết trong thời gian qua hệ thống giao thông đã được đầu tư nhiều, kể cả các tuyến đường đấu nối của Trung ương, của tỉnh. Tuy nhiên, các tuyến đường nội thị thoát ra các ngõ hiện nay vẫn còn nhiều dự án trước đây đã đưa ra nhưng không thực hiện được. Nguyên do là không có nguồn vốn đầu tư, kinh phí đền bù giải tỏa rất lớn, nhất là ở TP.Biên Hòa chi phí đền bù quá cao. Để giải quyết trước mắt tình trạng ùn tắc giao thông, tỉnh sẽ sớm xúc tiến xây dựng 2 tuyến đường: tuyến thứ nhất đấu nối từ bên hông Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 ra ngã tư đường Đồng Khởi rẽ vào UBND phường Trảng Dài; tuyến thứ 2 từ trung tâm phường Trảng Dài qua cầu Săn Máu ra sân vận động tỉnh (ở phường Tân Hiệp) đến Cụm Hải quan Đồng Nai. Tổng kinh phí xây dựng cả 2 tuyến đường là 850 tỷ đồng.
Về lâu dài, đại biểu Trịnh Tuấn Liêm cho rằng dứt khoát phải có hệ thống giao thông kết nối với cửa ngõ đi vào TP.Biên Hòa. Trong quy hoạch, cửa ngõ chính bắt đầu từ ngã tư Vũng Tàu đi qua cầu An Hảo theo hệ thống trục đường qua cù lao Cỏ kết nối với tuyến đường trung tâm đến Vườn Mít. Đáng mừng, Bộ Giao thông - vận tải nhất trí trong tháng 12 sẽ cố gắng khởi công cầu An Hảo (phường An Bình). Điều quan trọng để giải quyết ùn tắc giao thông trong nội ô TP.Biên Hòa là trong nhiệm kỳ 2015-2020 phải mở được tuyến đường ven sông Cái hơn 5km với kinh phí dự kiến trên 2 ngàn tỷ đồng, dưới hình thức kêu gọi đầu tư, vừa qua đã có một số nhà đầu tư xem xét tham gia thực hiện. Ngoài ra, TP.Biên Hòa tiếp tục thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để mở các tuyến đường nhánh, ngõ hẻm ra các tuyến đường chính.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư đề nghị lãnh đạo TP.Biên Hòa xem xét lại trách nhiệm của cán bộ, công chức trong xử lý vụ việc chậm triển khai thực hiện dự án Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương rà soát lại, phải kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người dân. |
Ngọc Thư