Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là văn kiện định hướng phát triển cho 5 năm tới của đất nước.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là văn kiện định hướng phát triển cho 5 năm tới của đất nước. Chủ đề báo cáo ghi rõ: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trao chứng nhận cho các gia đình đảng viên tiêu biểu năm 2015. Chương trình do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. |
Trong 3 nhiệm kỳ của đại hội gần đây, từ Đại hội X, công tác xây dựng Đảng luôn là nội dung đầu tiên trong chủ đề đại hội. Chủ đề Đại hội X ghi: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”; Đại hội XI xác định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, thì tiêu đề Đại hội XII chỉ rõ, cụ thể hơn nội hàm của công tác xây dựng Đảng: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.
* Nghị quyết hợp lòng dân
Nhiệm kỳ 2011-2016, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành khá nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI về công tác xây dựng Đảng. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 04 ngày
16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nhất: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ lãnh đạo cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Nghị quyết ra đời phản ánh đúng thực trạng của Đảng, tâm nguyện của dân và cũng là niềm tin của dân với Đảng. Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn, cảnh báo và bước đầu ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí. Sau 3 năm thực hiện, đã xử lý trên 50 ngàn đảng viên ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, điều đó chứng minh rằng Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra: Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.
* Cần quyết liệt hơn nữa
Để Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, công tác xây dựng Đảng cần được Đại hội XII dành nhiều thời gian thảo luận, bàn bạc, để sau đại hội, toàn Đảng thực hiện quyết liệt hơn nữa. Trước hết, trong Đảng cần chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng đối với đảng viên và tổ chức Đảng, tôn trọng các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nếu như trước đây, quan niệm xây dựng Đảng chỉ là 3 thành tố: tư tưởng, chính trị và tổ chức, thì đại hội kỳ này được Trung ương xác định thêm thành tố mới, thành tố “đạo đức”. Đây là một tư duy mới, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, phù hợp với thực tiễn cách mạng đất nước hiện nay với kỳ vọng lớn vào Đại hội XII sẽ có nhiều quyết sách đột phá quan trọng, trong đó có đột phá trong công tác xây dựng Đảng. Làm tốt công tác xây dựng Đảng để Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. |
Hoạt động kiểm tra, giám sát rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thực tế, một số nơi công tác này bị xem nhẹ. Nhiều nơi buông lỏng kiểm tra, giám sát hoặc có kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện sai phạm, sự phối hợp giữa kiểm tra của Đảng với thanh tra nhà nước thiếu chặt chẽ. Các vụ án lớn gần đây, như Vinashin, Vinalines, các vụ sai phạm của lĩnh vực nhà đất, ngân hàng, vụ xây dựng sai phép… lại nhiều hậu quả lớn.
Hiện tượng tham nhũng, tham ô, lãng phí được Đảng nhận diện từ rất sớm và ban hành khá nhiều văn bản nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng này. Tuy nhiên, tham nhũng, tham ô, lãng phí chẳng những không bị đẩy lùi mà còn có nguy cơ phát triển, trở thành quốc nạn, uy hiếp sự tồn vong của chế độ. Nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí khá lớn ở các ngành được phát hiện gần đây, mà trước Đại hội XII sẽ xử lý 8 vụ án trọng điểm. Sự lãng phí trong đầu tư công cũng khá lớn, trách nhiệm trước hết là các đảng viên có chức có quyền ở các đơn vị có công trình đầu tư. Ở đây có nguyên nhân từ sự vi phạm nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, do lợi ích nhóm, do chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy để rồi bỏ qua các nguyên tắc, quy định của Đảng, của Nhà nước, để lại hậu quả nặng nề, ngoài việc thất thoát tiền bạc, của cải là sự mất lòng tin của người dân đối với Đảng, với chế độ.
Phan Sỹ Anh