Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

08:07, 21/07/2015

Tân Phú là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh với trên 70% dân số sống bằng nghề nông. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Tân Phú đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa kinh tế của huyện tăng trưởng ổn định.

Tân Phú là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh với trên 70% dân số sống bằng nghề nông. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Tân Phú đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa kinh tế của huyện tăng trưởng ổn định.

Vợ chồng ông Nhỉn A Giểng (ấp 7, xã Phú Thịnh) trao đổi với cán bộ xã về lợi ích trong liên kết tiêu thụ ca cao.
Vợ chồng ông Nhỉn A Giểng (ấp 7, xã Phú Thịnh) trao đổi với cán bộ xã về lợi ích trong liên kết tiêu thụ ca cao.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tân Phú Phan Sương cho biết một trong những giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Phú tập trung thực hiện chính là ưu tiên đầu tư và phát triển nông nghiệp. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã xác định rõ những vùng chuyên canh tập trung, cánh đồng mẫu lớn, các loại cây trồng chủ lực kinh tế cao. Đặc biệt, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, như: đường giao thông nông thôn, đường điện trung, hạ thế, mương thủy lợi đến tận cánh đồng sản xuất.

* Hình thành các vùng chuyên canh

Những ngày này, đi trên các tuyến đường vào 2 xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tân Phú là Phú Thịnh và Nam Cát Tiên, chúng tôi ghi nhận được sự đổi thay diện mạo của vùng nông thôn miền núi từ những con đường bê tông, những trụ điện nối thẳng vào các cánh đồng sản xuất, những căn nhà mới mọc lên khang trang. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân 2 xã đều phấn khởi không chỉ vì thành tích cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2014, trước một năm so với kế hoạch mà vì đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt so với trước đây.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tân Phú Phan Sương nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện cũng đạt được kết quả tích cực. Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp ủy các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh một số thiếu sót, tồn tại của công tác xây dựng Đảng. Những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý đều được xử lý,  tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với tổ chức Đảng. Tỷ lệ đảng viên bị thi hành kỷ luật giảm dần qua các năm và giảm 0,5% so với nhiệm kỳ 2005-2010.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, từ một vùng sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát, nông dân trong huyện đã quen dần với sản xuất hàng hóa. 5 năm qua, huyện Tân Phú đã hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung, như: cây tiêu ở các xã Phú Lộc, Phú Thịnh, Trà Cổ, Tà Lài; cây cà phê ở xã Phú Thịnh, Phú Xuân, Phú Lộc, thị trấn; cây ăn trái như sầu riêng ở Phú Trung, Phú An, Phú Sơn, Nam Cát Tiên hay cây bưởi ở xã Phú Thịnh, Tà Lài, Núi Tượng... Đến nay, gần 1,8 ngàn hécta đất xấu đã được canh tác nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng bắp cho năng suất cao, thu nhập ổn định.

Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh với cây trồng, chủ lực có năng suất, giá trị kinh tế cao; cấp ủy các cấp luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm và vốn cho người nông dân. Từ đó giúp cho người nông dân thay đổi cơ bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp; mạnh dạn hơn trong ứng dụng giống mới và tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật; khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp.

Năm 2014, huyện có 2 xã Phú Thịnh và Nam Cát Tiên đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện 5/17 xã, đạt 29,4%.

Ông Nguyễn Văn Trung ở ấp 2, xã Nam Cát Tiên cho biết trong những năm qua, bà con nông dân trong xã đã được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Mừng nhất là việc kéo điện và xây dựng kênh mương nội đồng đến tận cánh đồng, vườn cây của người dân nên việc canh tác thuận lợi hơn. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông canh tác được 2 vụ lúa, đất thường bỏ hoang vào mùa đông - xuân nhưng đến nay đã canh tác được 2 vụ lúa, 1 vụ bắp đông - xuân, tăng cao thu nhập, nhờ đó đời sống ổn định hơn. Các con đường được bê tông hóa hoặc tráng xi măng đến tận  khu sản xuất nên việc đi lại, vận chuyển nông sản cũng tiện lợi hơn, không còn bị tư thương lợi dụng đường xấu để ép giá. 

* Tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, với sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của huyện có chuyển biến tích cực, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp góp phần quan trọng trong nâng cao đời sống người dân trong huyện. Cụ thể, nếu như vào năm 2010, giá trị sản xuất/hécta chỉ có 56,8 triệu đồng thì đến năm 2014 là 112 triệu đồng.

Bên cạnh nông nghiệp, trong nhiệm kỳ tới Đảng bộ huyện Tân Phú sẽ quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong ảnh: Một góc thị trấn Tân Phú.
Bên cạnh nông nghiệp, trong nhiệm kỳ tới Đảng bộ huyện Tân Phú sẽ quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong ảnh: Một góc thị trấn Tân Phú.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con, như liên kết trong tiêu thụ cà phê với Công ty Tín Nghĩa hay cây ca cao với Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán). Ông Nhỉn A Giểng ở ấp 7, xã Phú Thịnh chia sẻ: “Từ ngày liên kết với Công ty TNHH ca cao Trọng Đức trồng ca cao, tôi không phải lo đầu ra của ca cao, lại còn được phía công ty hỗ trợ kỹ thuật trồng nên cho năng suất cao, thu nhập ổn định”. 

Đến nay, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông đường do huyện quản lý ở Tân Phú đạt 75,56% (với trên 129km); đường xã quản lý đạt 47,7% (với trên 327 km/686km). Huyện đã đầu tư được trên 33km lưới điện trung thế và 29 trạm biến áp. Ngoài ra, Nhà nước và nhân dân cùng làm được trên 88km lưới điện hạ thế với tổng mức đầu tư trên 36 tỷ đồng (nhân dân đóng góp trên 14 tỷ đồng), nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,5%.

Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong huyện chưa được triển khai rộng rãi. Phần lớn nông sản của bà con vẫn trong tình trạng “được mùa rớt giá”. Do đó, theo Phó chủ tịch UBND huyện Trần Bá Đạt, trong nhiệm kỳ tới huyện xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là tập trung phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó sẽ mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện với Tổng công ty Tín Nghĩa (cà phê, tiêu), Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (ca cao) và các đơn vị khác có nhu cầu đầu tư trên địa bàn. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng: đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, đường điện trung, hạ thế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, phát triển kinh tế gia đình cho người dân.

Ngọc Thư

 

 

 

Tin xem nhiều