Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

03:07, 21/07/2015

Nếu vào đầu năm 2010, số hộ nghèo của huyện Tân Phú còn trên 8,5 ngàn hộ (chiếm trên 22,7% dân số) thì đến cuối năm 2014 con số này chỉ còn khoảng 1 ngàn hộ (tỷ lệ 2,7%).

Nếu vào đầu năm 2010, số hộ nghèo của huyện Tân Phú còn trên 8,5 ngàn hộ (chiếm trên 22,7% dân số) thì đến cuối năm 2014 con số này chỉ còn khoảng 1 ngàn hộ (tỷ lệ 2,7%). Đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Nhờ nuôi dê sinh sản mà nhiều gia đình ở xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) đã thoát nghèo.  Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, ở ấp 4, đang chăm sóc đàn dê.
Nhờ nuôi dê sinh sản mà nhiều gia đình ở xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) đã thoát nghèo. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, ở ấp 4, đang chăm sóc đàn dê.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho biết công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Đặc biệt, các hộ nghèo đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả đã được triển khai thực hiện và nhân rộng.  

* Giảm nghèo từ con dê

Một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả đó là mô hình nuôi dê sinh sản từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ nghèo trong huyện đã có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo, có đời sống khấm khá hơn. Cụ thể, xã Phú Thịnh khi mới triển khai vào năm 2013 có 33 hộ được vay vốn nuôi dê, 2 năm sau đã thu hồi vốn để quay vòng cho các hộ khác nuôi. Từ 2 con dê giống ban đầu cùng với việc chí thú làm ăn, nhiều hộ nghèo đã nhanh chóng phát triển đàn dê, đem lại thu nhập cao.

Theo thông tin từ Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú, trong 5 năm qua, huyện đã cho hơn 7,6 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn từ chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo, với tổng số tiền lên đến hơn 96 tỷ đồng; vận động xây được 649 căn nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã triển khai các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn và đã giải quyết cho 532 hộ nghèo được tham gia thực hiện dự án, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Gia đình ông Huỳnh Văn Đượm và bà Nguyễn Thị Minh Huệ, ở ấp 4, xã Phú Thịnh là một điển hình vượt nghèo từ nuôi dê. Ông Đượm cho biết, cách đây 2 năm gia đình ông còn thuộc hộ nghèo, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 2 con dê giống. Sau đó, gia đình ông đã phát triển thành 14 con dê cái và một con dê đực. Mỗi năm lại có thêm hơn 50 dê con. Nhờ số tiền từ bán dê thịt, ông Đượm đã xây được nhà ở ổn định, không còn phải đi làm thuê làm mướn.

Ông Nguyễn Thế Thượng, cán bộ thương binh - xã hội xã Phú Thịnh, cho hay nhờ nuôi dê, số hộ nghèo trong xã Phú Thịnh đã giảm hẳn, từ 646 hộ nghèo vào đầu nhiệm kỳ thì đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn 86 hộ. Trong số đó có đến 50% số hộ nghèo thoát nghèo nhờ nuôi dê. “Nuôi dê nhẹ vốn, không phải đầu tư nhiều, sinh sản nhanh, thu nhập ổn định nên được bà con nơi đây xem là con vật xóa nghèo” - ông Thượng chia sẻ.

* Giúp nhau vượt khó

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, vốn sản xuất, MTTQ và các đoàn thể ở các địa phương đã sáng tạo các mô hình tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể như mô hình tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế do Ban Công tác Mặt trận ấp 6 và Chi bộ ấp 6, xã Phú An lập nên vào năm 2012 với tên gọi “Quỹ giúp nhau vượt khó” với sự hưởng ứng tham gia của 85/87 hộ dân trong ấp. Sau gần 4 năm duy trì, đến nay nguồn quỹ này đã hỗ trợ cho hàng chục lượt gia đình vay vốn với số tiền từ 3-5 triệu đồng/hộ để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ. 

Ngoài ra, tại ấp 6 xã Phú An, dưới sự tuyên truyền vận động kết hợp với đi trước nêu gương của đảng viên, Chi bộ ấp 6 của xã đã khởi xướng phong trào tương trợ, giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống. Theo ông Bùi Tiến Lực, Bí thư Chi bộ ấp 6: “Qua sự vận động của chi bộ, bà con ở đây đã cùng nhau quyên góp hàng trăm triệu đồng để giúp cho hơn 20 hộ dân thuộc diện khó khăn trong ấp mua các giống vật nuôi (heo, dê, gà, vịt) về tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Ông Tuy Thành Trung, một hộ khó khăn được nhận cặp dê giống từ số tiền do bà con nhân dân trong ấp đóng góp, nói: “Tôi bị bệnh mất sức lao động nên cả tôi và 3 con nhỏ đều phụ thuộc vào đồng tiền kiếm được từ việc làm mướn của vợ. May nhờ có sự hỗ trợ của bà con trong ấp, chúng tôi có vốn phát triển chăn nuôi, cuộc sống cũng bớt vất vả hơn”.

An An - Văn Truyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều