Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bắt đầu triển khai Đề án 84 về bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân và cán bộ Công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp từ năm 2009.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bắt đầu triển khai Đề án 84 về bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân và cán bộ Công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp từ năm 2009. Kết quả đến nay toàn tỉnh đã có 265.933 đối tượng được bồi dưỡng kiến thức không chỉ đem lại nhận thức mới cho người lao động, mà còn đóng góp vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư tặng quà công nhân huyện Nhơn Trạch dịp Tết Ất Mùi. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh, quá trình triển khai đề án đã đạt 5 yêu cầu cơ bản: đạt chỉ tiêu, kế hoạch, mục tiêu, kinh nghiệm, hiệu quả.
Đưa kiến thức đến công nhân
Theo Ban Chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh, Đồng Nai là tỉnh có tới trên 600 ngàn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp tập trung, do đó việc triển khai Đề án 84 đòi hỏi phải có cách làm khoa học, bài bản, phối hợp chặt chẽ. Quá trình triển khai luôn được rút kinh nghiệm, điều chỉnh linh hoạt để đạt hiệu quả cao hơn. Nếu như năm 2009, năm đầu tiên triển khai đề án, chỉ có 281 đối tượng được học tập, thì những năm tiếp theo, số đối tượng được học tập không ngừng tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể, năm 2010 có tới gần 15,5 ngàn đối tượng, năm 2011 lên tới 28 ngàn đối tượng, năm 2012 là 66,8 ngàn đối tượng, năm 2013 là gần 80 ngàn và năm 2014 là 74,5 ngàn đối tượng.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư lưu ý, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của cấp ủy, chính quyền, tổ chức Đảng và Công đoàn trong việc nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân. Nhân tố không thể thiếu, đó chính là chủ doanh nghiệp cũng cần được tuyên truyền, vận động để cùng tham gia, vì nhận thức của công nhân được nâng lên, thì việc sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo. |
Để việc triển khai đề án đạt hiệu quả cao, toàn diện, huy động nhiều đơn vị cùng tham gia, năm 2012 Ban Chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh đã thành lập ban chủ nhiệm ở các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa, Đảng ủy khối Doanh nghiệp và Tổng công ty cao su Đồng Nai. Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó ban chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh, cho biết triển khai nội dung đề án cho công nhân mà không làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp là việc làm khó khăn, nhất là khi công nhân thường làm việc theo ca kíp không cố định. Chính vì vậy, từ năm 2012 đến nay, công nhân đã được đa dạng hóa các hình thức học tập, trong đó có hình thức học tập không tập trung. Công nhân được học tập qua hướng dẫn của cán bộ Công đoàn cơ sở, tự nghiên cứu tài liệu, nghe qua hệ thống loa phát thanh tại các xưởng sản xuất, nhà ăn, ký túc xá, qua bảng thông tin nội bộ…
Chất lượng học tập của công nhân lao động là vấn đề được Ban Chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh quan tâm và đặt lên hàng đầu. Để đạt được yêu cầu về chất lượng, cần nhiều yếu tố, như: phương pháp tổ chức học tập, đội ngũ báo cáo viên, giáo án học tập và không thể thiếu được sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để công nhân có địa điểm, thời gian tham gia học tập. Từ năm 2009 đến 2014, Ban Chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh đã cung cấp gần 266 ngàn cuốn tài liệu và CD, đồng thời các đơn vị đã triển khai bồi dưỡng cho 265.933 đối tượng (bằng 44,1% số công nhân trong các khu công nghiệp tập trung). Kết quả đánh giá chất lượng học tập cho thấy, số bài làm đúng tới 50% câu hỏi trở lên, đạt tỷ lệ 99,9%, số bài làm đúng 85% câu hỏi trở lên đạt tỷ lệ 68,5%.
Cao hơn về chất lượng
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trảng Bom Võ Hoàng Mạnh cho biết, đến nay Trảng Bom đã mở được 181 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật tập trung cho trên 66,7 ngàn đối tượng, mang lại nhiều hiểu biết cho công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm quan trọng, được rút ra từ việc triển khai đề án là không chỉ cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho người lao động, mà còn phải làm cho chủ các doanh nghiệp hiểu được lợi ích của việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Trong khi đó, theo đại diện Ban giám đốc Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), việc công nhân lao động và cán bộ Công đoàn của công ty được tỉnh hỗ trợ bồi dưỡng các kiến thức bổ ích về lý luận chính trị, pháp luật, đã góp phần rất lớn vào sự ổn định trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng được Đảng ủy, Công đoàn phối hợp chặt chẽ với ban giám đốc. Các lớp được tổ chức tập trung tại trung tâm huấn luyện của công ty với thời gian 2 tiếng, thời gian học tập được tính vào giờ làm việc, đồng thời được nhận thêm tiền hỗ trợ học tập là 30 ngàn đồng. Đến nay, đã có gần 100% công nhân trong tổng số 23.477 công nhân của Công ty Changshin Việt Nam hoàn thành việc trang bị kiến thức theo Đề án 84.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới cho rằng việc bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, pháp luật trong tình hình mới phải đáp ứng được những yêu cầu cao hơn, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Mục tiêu, nhiệm vụ của đại hội Đảng các cấp, tình hình thời sự trong nước và quốc tế chính… là những nội dung trọng tâm cần cung cấp cho các đối tượng được học tập. Để tạo được chất lượng cao hơn trong quá trình học tập, thì việc đổi mới nội dung, đa dạng hình thức học tập, phát huy vai trò chủ động của ban chỉ đạo các địa phương và nâng chất lượng đội ngũ báo cáo viên là những yếu tố quan trọng, đồng thời huy động được chủ doanh nghiệp cùng hợp tác…
Công Nghĩa