Đó là mô hình đang được các tổ thuộc Chi hội phụ nữ KP.11, phường An Bình (TP.Biên Hòa) thực hiện nhằm tạo nguồn kinh phí duy trì hoạt động, góp phần chăm lo đời sống chị em hội viên.
Đó là mô hình đang được các tổ thuộc Chi hội phụ nữ KP.11, phường An Bình (TP.Biên Hòa) thực hiện nhằm tạo nguồn kinh phí duy trì hoạt động, góp phần chăm lo đời sống chị em hội viên.
Mô hình này được khởi xướng từ bà Phạm Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.11, phường An Bình.
* Tìm cách tạo nguồn kinh phí
Từng có 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.1, phường Long Bình Tân, nên năm 2010 khi chuyển nơi ở đến phường An Bình, bà Phạm Thị Tuyết đã được chị em tín nhiệm bầu là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.11, phường An Bình. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác phụ nữ, bà thấy rằng nguồn kinh phí sử dụng cho các hoạt động chăm lo cho chị em được trích từ kinh phí hoạt động của Hội còn rất hạn chế. Phải làm sao để chị em không phải bỏ tiền túi mà vẫn tạo được thêm nguồn kinh phí chăm lo cho chị em là điều bà luôn trăn trở.
Bà Phạm Thị Tuyết (bìa phải), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.11 kiêm Tổ trưởng Tổ 5 tiếp nhận phế liệu của hội viên. |
Nhận thấy đồ phế thải không còn dùng trong gia đình và phế liệu thu gom nơi công cộng, như: tivi hỏng, nồi cơm điện hỏng, các loại chai lọ, lon bia… tại các gia đình bỏ đi rất phí, bà Phạm Thị Tuyết đã bàn bạc với chị em phát động phong trào thu gom rác thải tại các tổ để bán tạo kinh phí cho chi hội hoạt động. Bà Tuyết chia sẻ: “Tâm lý của chị em đều không muốn bỏ tiền mặt từ 100-200 ngàn đồng/người/năm để đóng góp, cho dù số tiền đó sẽ dùng để chăm lo cho họ. Nhưng bằng hình thức thu gom những đồ phế liệu không còn sử dụng trong gia đình là việc mà chị em nào cũng có thể làm được nên phong trào đã được chị em nhiệt tình hưởng ứng”.
Trên cơ sở phong trào chung do chi hội phát động, các tổ triển khai đến hội viên và chọn cách làm phù hợp. Có tổ để chị em tự thu gom, tự bán và nộp tiền về tổ trưởng; một số tổ thu gom về một điểm, cuối tuần hoặc cuối tháng sẽ bán.
* Chăm lo cho chị em
Là người tích cực tham gia phong trào thu gom phế liệu của chi hội, bà Đặng Thị Giàng (tổ 5), cho hay từ ngày chi hội phát động phong trào thu gom phế liệu để tạo nguồn kinh phí duy trì hoạt động Hội, bà đã có thói quen phân loại rác. Các loại phế liệu là bìa carton, vỏ lon bia, chai nhựa… bà để riêng để nộp về tổ trưởng; các loại rác nhanh phân hủy sẽ được gom vào một góc vườn ủ để trồng rau sạch; các loại rác còn lại được bà cho vào bịch ny-lông để trước nhà cho xe thu gom rác mang đi.
Bà Đặng Thị Mỹ Nhân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường An Bình, cho biết mô hình thu gom phế liệu của Chi hội phụ nữ KP.11 được xem như là mô hình điểm của Hội LHPN phường. Dự kiến, trong năm 2015, Hội LHPN phường sẽ nhân rộng mô hình này ở mỗi chi hội, tiến tới nhân rộng trong toàn phường thời gian tới. |
Cùng với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và hưởng ứng “Ngày thứ 7 xanh - sạch - đẹp”, cứ vào ngày thứ 7 hàng tuần, chi hội phối hợp cùng với khu phố tổng vệ sinh nơi công cộng, thu gom phế liệu, rác thải. Không chỉ giúp chị em biết cách phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường mà phong trào thu gom phế liệu còn giúp chi hội xây dựng được nguồn kinh phí tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho hội viên, hỗ trợ vốn cho chị em có hoàn cảnh khó khăn.
Chỉ tính trong năm 2014, 4/7 tổ của chi hội đã thu gom phế liệu với tổng giá trị trên 100 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, chi hội đã hỗ trợ vốn cho 79 lượt chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động thăm hỏi ốm đau, thai sản, tang lễ, quà lễ tết, nuôi heo đất, may 218 bộ đồng phục áo dài cho chị em theo từng tổ.
Nga Sơn