Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa từ cuộc thi quảng bá

02:05, 19/05/2014

Sau hơn một năm phát động, cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2013 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đã nhận được gần 1.700 tác phẩm dự thi.

Nguyễn Thị Thanh Ân (trái) được cô Nguyễn Thị Kiều Diễm dạy học tại nhà.
Nguyễn Thị Thanh Ân (trái) được cô Nguyễn Thị Kiều Diễm dạy học tại nhà.

Sau hơn một năm phát động, cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đã nhận được gần 1.700 tác phẩm dự thi.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết đây là năm có số lượng tác phẩm gửi về dự thi tăng hơn những năm trước với thể loại đa dạng, đề tài, nội dung mở rộng, phong phú. Đặc biệt, nhiều tác phẩm dự thi có chất lượng, được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức.

* Ai cũng có thể học Bác

Một trong những tác phẩm được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao là Bác Hồ trong tâm tưởng người dân Nam bộ của nhà báo Thanh Thúy (Báo Đồng Nai), tác giả từng đạt giải A cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức giai đoạn 2010-2013. Nội dung tác phẩm hệ thống lại về các đền thờ Bác Hồ được nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Đồng Nai lập nên sau khi nghe tin Bác mất. Xen kẽ trong bài viết là những tấm gương cán bộ, chiến sĩ năm xưa học Bác tinh thần nói đi đôi với làm, được nhân dân tin phục.

 Nhà báo Thanh Thúy chia sẻ, qua tác phẩm này, tác giả muốn làm rõ giá trị của tấm gương đạo đức Bác Hồ trong lòng dân tộc, bởi lẽ khi đất nước còn chiến tranh, các đền thờ Bác không chỉ xuất hiện ở vùng giải phóng mà còn tồn tại ngay trong vùng tranh chấp và vùng địch chiếm đóng. Dù nhiều lần địch cho phá hủy các đền thờ nhưng người dân vẫn khôi phục lại, thậm chí còn xây dựng to đẹp hơn. Qua đó cho thấy, tình cảm của người dân đối với Bác Hồ xuất phát từ tấm lòng chứ không phải từ mệnh lệnh hành chính.

Loạt bài 3 kỳ của Ban Văn hóa - xã hội (Báo Đồng Nai) Ai cũng có thể học Bác được Hội đồng giám khảo cuộc thi đánh giá có kết cấu, bố cục chặt chẽ, gương điển hình đa dạng, có sức thuyết phục. Loạt bài tập trung viết về các gương điển hình học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ lãnh đạo cấp ủy đến cán bộ, hội viên, nhân dân… Mỗi người dù ở những cương vị khác nhau nhưng đều học Bác từ những điều bình dị nhất, không khoa trương, hình thức. Điều này một lần nữa cho thấy, việc học tập và làm theo gương Bác đã có sức lan tỏa lớn, ngày càng được cán bộ, nhân dân trong tỉnh hưởng ứng cao.      

* Xuất hiện nhiều nhân tố mới

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, điểm mới của cuộc thi năm 2013 là ngoài những tác giả đã quen thuộc, còn xuất hiện nhiều gương mặt mới. Một số tác giả không chuyên đã đoạt giải cao, như tác giả Đoàn Thị Thanh Nga, nhân viên kế toán Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Long Thành với truyện ngắn Hai thế hệ.

Lần đầu viết văn nhưng câu chuyện của Thanh Nga được viết súc tích, nhẹ nhàng, sâu lắng, phần liên hệ học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất tự nhiên như vốn sẵn trong tính cách nhân vật. Tác giả Thanh Nga chia sẻ: “Chính những nhân viên bảo vệ rừng ngập mặn vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống; vượt qua những thử thách, cám dỗ quyết tâm giữ gìn, bảo vệ màu xanh của rừng, đã tạo nên nguồn cảm xúc để tôi viết tác phẩm này”.

Theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, những tác phẩm có chất lượng, đoạt giải cao lần này sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để tham gia các cuộc thi do Trung ương tổ chức. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng quan tâm đến khâu quảng bá các tác phẩm, theo đó sẽ có sự tham gia của các đoàn thể và truyền thông để sức lan tỏa của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng hơn nữa.

Trong các tác phẩm đoạt giải cao thể loại báo chí dành cho đối tượng học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân, tác phẩm Tất cả vì dân của tác giả Đỗ Hùng Thụ (giáo viên về hưu ngụ tại ấp 7, xã An Phước, huyện Long Thành) viết về tấm gương bí thư chi bộ nơi ông sinh hoạt Đảng. Bằng lời văn mộc mạc, chân tình, tác phẩm đã thể hiện được tình cảm trân trọng, nể phục của tác giả với một cán bộ, đảng viên tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cống hiến công sức cho dân, cho Đảng với nhiều sáng kiến hay góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Ông Đỗ Hùng Thụ (phải) phỏng vấn nhân vật của mình.
Ông Đỗ Hùng Thụ (phải) phỏng vấn nhân vật của mình.

Bên cạnh đó, tác phẩm Nguyễn Thị Kiều Diễm - tấm gương sáng vì sự hy sinh và tinh thần vươn lên của Nguyễn Thị Thanh Ân, cô học trò giỏi văn lớp 10A1 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) khá ấn tượng bởi nét chữ học trò nắn nót. Ân đã viết lên những dòng cảm xúc giản dị, chân thành, xúc động về chính cô ruột của Ân - một người giàu nghị lực, vượt khó học giỏi, luôn sống vì mọi người. “Cô Diễm chính là người tiếp thêm ý chí và sức mạnh tinh thần cho em khi vượt qua khó khăn để đến trường” - Ân chia sẻ.  

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều