Những bất cập trong chính sách tín dụng cho nông thôn, đầu ra cho nông sản là những vấn đề nổi bật được các đại biểu tập trung chất vấn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, ngày 6-12.
Những bất cập trong chính sách tín dụng cho nông thôn, đầu ra cho nông sản là những vấn đề nổi bật được các đại biểu tập trung chất vấn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, ngày 6-12.
Tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, chính sách tín dụng cho nông thôn và giải pháp đầu ra cho thị trường nông sản vẫn còn nhiều bất cập.
* Khó vay vốn tín dụng
Đại biểu Đỗ Thị Vương Lan (tổ đại biểu huyện Xuân Lộc) chất vấn: “Thủ tục cho vay vốn hiện nay còn phức tạp khiến người dân chưa tiếp cận được với nguồn vốn cho vay ưu đãi, mức cho vay thấp chưa phù hợp với thực tế, thời gian cho vay ngắn, không đủ xoay vòng sản xuất”.
Đầu ra cho thị trường nông sản vẫn còn nhiều bất cập. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Trảng Bom. |
Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Hùng Mạnh cho biết, Đồng Nai hiện có 56 tổ chức tín dụng với gần 200 phòng giao dịch và 35 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đang hoạt động. Hiện nguồn vốn còn dư trên 12 ngàn tỷ đồng, riêng Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh còn dư khoảng 7 ngàn tỷ đồng. “Cái khó hiện nay là mức cho vay và thời gian cho vay phải thực hiện theo quy chế cho vay chung; thủ tục cho vay phải nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xác nhận của UBND xã đất không có tranh chấp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã kiến nghị Chính phủ tăng mức cho vay tín chấp đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại. Đồng thời đề nghị các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông nghiệp cũng như giấy chứng nhận kinh tế trang trại để tạo điều kiện thuận lợi thủ tục pháp lý để thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng” - ông Nguyễn Hùng Mạnh nói.[links(right)]
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại ở nhiều địa phương còn chậm. Đến nay mới cấp 681 giấy, chiếm 31% tổng số trang trại, nguyên nhân là do nhiều địa phương thực hiện cải cách hành chính chưa tốt. Riêng TX.Long Khánh và huyện Xuân Lộc đã cấp được trên 50% là do linh động trong cách thực hiện. Các địa phương này mỗi tuần cử một tổ công tác về tận các xã để xét cấp cho dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Sắp tới, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy chứng nhận cho những trang trại nằm ngoài vùng khuyến khích chăn nuôi để tạo điều kiện cho các trang trại làm thủ tục vay vốn.
* Lo đầu ra cho nông sản
Tình trạng nông dân bị tư thương ép giá, được mùa, mất giá và ngược lại cũng là vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn. Đại biểu Nguyễn Thị Diễm Châu (tổ đại biểu huyện Định Quán) chất vấn, dù nhiều nông dân cố gắng tìm nơi tiêu thụ nông sản nhưng do sản xuất nhỏ, lẻ, sản phẩm không đồng đều nên chưa thâm nhập được vào các siêu thị và hệ thống chợ đầu mối.
Thực trạng này đã được Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Dành xác nhận, dù Sở Công thương đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối tìm đầu ra cho nông sản nhưng rất ít các mặt hàng rau quả vào được siêu thị. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu tiêu thụ qua thương lái. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu sự liên kết, hợp tác trong sản xuất - đóng gói - giết mổ, chế biến - tiêu thụ nông sản phẩm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Ngôn (tổ đại biểu huyện Thống Nhất) về giải pháp xử lý các phương tiện giao thông chủ xe không đến nhận, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Khánh cho biết, trong 5 năm (2009-2013) có 24.823 phương tiện người vi phạm không đến xử lý để nhận lại phương tiện, chủ yếu thuộc các trường hợp, như: số tiền phạt cao hơn giá trị của xe, xe không có giấy tờ hợp lệ, không có nguồn gốc hợp pháp. Số phương tiện này để lâu ngày, nếu không có biện pháp xử lý sẽ xuống cấp, hư hỏng, chiếm diện tích tại bãi tạm giữ xe. |
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương triển khai Đề án phát triển thương mại nông thôn, theo đó đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 4 chợ đầu mối nông sản; thí điểm tổ chức chương trình bán tại chợ, nhằm hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất sản phẩm an toàn bán hàng trực tiếp tại các chợ và chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vào chợ đầu mối tại các tỉnh. Ngoài ra sẽ hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình giao thương, tiếp xúc các nhà nhập khẩu nước ngoài để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư nhấn mạnh, Đồng Nai tuy là tỉnh phát triển công nghiệp nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, dân cư sống ở nông thôn lớn. Những năm qua, nông nghiệp đã góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, thời gian tới UBND tỉnh và các ngành chức năng cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa, làm sao tạo được kết nối tiêu thụ sản phẩm của nông dân làm ra; đảm bảo cam kết đúng theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân.
Đặng Ngọc