Nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh năm 2014 đã được các đại biểu HĐND tỉnh nêu ra tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII vào ngày 5-12.
Nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh năm 2014 đã được các đại biểu HĐND tỉnh nêu ra tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII vào ngày 5-12.
Đại biểu Võ Anh Dũng (tổ đại biểu TX.Long Khánh) phát biểu. |
Một trong những nội dung tập trung nhiều ý kiến thảo luận là tiến độ triển khai một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh còn chậm; bất cập trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cần được tập trung giải quyết.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Theo đại biểu Nguyễn Phú Cường (tổ đại biểu TP.Biên Hòa), hiện nay, một số công trình xây dựng cơ bản do tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện quá chậm, nhất là dự án nạo vét suối Săn Máu triển khai chưa hợp lý vì chia thành nhiều gói thầu, thi công theo kiểu cuốn chiếu, trong khi một năm chỉ làm được vào mấy tháng mùa nắng. Do đó, cần thay đổi biện pháp thi công, thực hiện đồng loạt để đẩy nhanh tiến độ.
Đề nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng đề án Sữa học đường Đối với đề án Sữa học đường, một số ý kiến đề nghị đối tượng thụ hưởng nên quy định thêm đến độ tuổi học sinh lớp 5, trẻ từ 1-5 tuổi không có điều kiện đi học hoặc học ở các nhóm trẻ tự phát, vì hiện nay tỷ lệ này trên địa bàn tỉnh rất lớn. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở GD-ĐT trước UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện đề án. |
Đại biểu Trịnh Tuấn Liêm lo lắng về chương trình kiên cố hóa trường lớp, bởi dù đã cố gắng, Biên Hòa vẫn đang thiếu trầm trọng nguồn vốn cho các công trình này. “Trong học kỳ 2 của năm học 2013-2014, Biên Hòa sẽ đưa vào sử dụng 5 công trình trường học mới được xây dựng, sửa chữa nhằm hạn chế tình trạng học ca ba. Thế nhưng, mục tiêu vào năm 2015, thành phố xóa hẳn ca ba rất khó thực hiện bởi với lượng tăng dân số cơ học như hiện nay, trường lớp không thể “chạy” được theo số lượng học sinh” - ông Trịnh Tuấn Liêm nói.
Bên cạnh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, một số đại biểu còn đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, rà soát và xử lý đối với các dự án có danh mục đầu tư chưa bảo đảm, công trình thực hiện không đúng theo trình tự thủ tục, nhằm tránh tình trạng các dự án chủ đầu tư ứng vốn nhưng lại chậm triển khai, gây nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi đó, một số dự án trọng điểm, cấp bách thì gặp khó khăn về vốn, như: đường vào trung tâm huyện Vĩnh Cửu, dự án nạo vét suối Sâu (huyện Vĩnh Cửu), dự án hồ Suối Tre (TX.Long Khánh), hồ Cầu Mới (huyện Long Thành)...
[links(right)]Việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng đến nay kết quả thực hiện rất thấp, còn một số mục tiêu chưa đạt so với nghị quyết đề ra, như: nhà ở cho cán bộ, công chức, công nhân. Do đó, đại biểu Nguyễn Phú Cường đã đề nghị UBND tỉnh xem xét sử dụng quỹ phát triển nhà, quỹ phát triển đất để bồi thường giải tỏa các khu quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội. Thậm chí đại biểu Huỳnh Văn Tịnh (tổ đại biểu huyện Thống Nhất) kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách nhà ở xã hội để kết nối các bộ, ngành, cơ quan tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở xã hội.
Khắc phục bất cập trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều đại biểu dành sự quan tâm cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đạt chỉ tiêu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, gây lãng phí cho ngân sách địa phương là do: công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo; việc xây dựng chỉ tiêu chưa sát do không khảo sát trước nhu cầu, không có giải pháp kết hợp với các cơ sở dạy nghề có uy tín của tư nhân để giảm chi phí hoặc đào tạo chưa đúng với nhu cầu. Đại biểu Ngô Văn Hải (tổ đại biểu huyện Trảng Bom) cho rằng, thời gian tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần rà soát lại, không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà phải đi vào thực chất, phù hợp với tình hình thực tế cần đào tạo và nhu cầu của người dân.
Một số chỉ tiêu thấp hơn năm 2013 Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014. Theo đó, có một số chỉ tiêu đề ra thấp hơn so với năm 2013, như: chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài... Theo lý giải của UBND tỉnh, sở dĩ các chỉ tiêu này đăng ký thấp là do năm 2014 tiếp tục dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, thị trường bất động sản còn trầm lắng, lượng hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới giảm... |
Đại biểu Đặng Mạnh Trung (tổ đại biểu TX.Long Khánh) đề nghị cần có giải pháp để tăng cường quản lý các hoạt động nhóm trẻ, nhà trẻ tư nhân, tránh để xảy ra tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ như một số trường hợp đã xảy ra.
Đại biểu Giang Mạnh Hà (tổ đại biểu TP. Biên Hòa) đưa ra một thực tế: “Khi đoàn nghệ thuật cải lương đi biểu diễn tại các địa phương, rất khó để tìm địa điểm tổ chức phù hợp, bởi hầu hết các nhà văn hóa ấp đều có thiết kế không phù hợp. Thậm chí có nhà văn hóa dù được xây dựng khá hoành tráng, nhưng lại ở cách xa khu dân cư hàng cây số”. Về bất cập này, đại biểu Nguyễn Văn Quyết (tổ đại biểu TP. Biên Hòa) thừa nhận: “Hầu hết các nhà văn hóa đều xây dựng theo một mẫu thiết kế giống nhau, nhưng lại không phù hợp với hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, đã và đang xảy ra tình trạng lãng phí khi các thiết chế văn hóa này hoạt động không hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị phải có sự tính toán lại trong việc xây dựng nhà văn hóa, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương đối với các hoạt động diễn ra tại địa điểm này”.
Nguyễn Phượng - Ngọc Thư