Nhà báo với “mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” đã góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Song, để được hai chữ vinh quang ấy, các nhà báo đã phải đánh đổi nhiều thứ…
Nhà báo với “mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” đã góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Song, để được hai chữ vinh quang ấy, các nhà báo đã phải đánh đổi nhiều thứ…
“Chỉ trong 5 năm trở lại đây đã có khoảng 50 vụ nhà báo bị cản trở thô bạo trong tác nghiệp, bị hành hung, thậm chí bị đánh đập gây thương tích. Do đó, trước khi được bảo vệ, nhà báo phải biết tự bảo vệ mình” - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn đã phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm “Nhà báo phải biết tự bảo vệ” do Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 19-6.
* Nghề báo, con đường chông gai
Thời gian qua, nhiều vụ việc nhà báo bị cản trở thô bạo trong tác nghiệp, thậm chí hành hung gây thương tích, như vụ nhà báo Thiên Vương (Đài PT-TH Đồng Nai) bị đe dọa đập vỡ phương tiện ghi hình; nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người Lao Động) bị hành hung ở Lạng Sơn; 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị đánh ở Tiên Lãng (Hải Phòng); nhà báo Hoàng Khương (Báo Tuổi Trẻ) phải vướng vòng lao lý… cho thấy, nghề báo là nghề lắm chông gai.
Các nhà báo tham gia tọa đàm. |
Nhà báo Hồng Phương (Tạp chí Người Làm Báo) chia sẻ: “Chúng ta đang sống giữa một xã hội liên tục vận động. Giới hạn giữa đúng - sai, cũ - mới khó nhận biết rạch ròi. Nếu các nhà báo không tỉnh táo, không hiểu sâu và nhạy bén trong nắm bắt, xử lý thông tin thì rất dễ có những cách thu thập thông tin sơ hở, có những bài viết nông cạn… dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và xã hội”.
Tháng 6-2012, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã khảo sát trực tiếp với 384 người làm báo với 17 câu hỏi có sẵn và 60 nhà báo, cán bộ liên quan đến tác nghiệp báo chí. Kết quả, có 87,9% người làm báo thừa nhận đã từng bị cản trở trong công việc; 69% không viết được bài; 30,4% mất tinh thần; 17,4% thiệt hại về thân thể và 2,34% nhà báo bỏ nghề. |
Còn nhà báo Vũ Ngọc Xiêm (Báo Cựu Chiến Binh Việt Nam) cho rằng: “Nghề báo phải đi nhiều, cọ xát nhiều với nhiều đối tượng trong xã hội, vì thế nguy cơ nhà báo gặp nguy hiểm cũng nhiều hơn. Nhưng tôi cho rằng, ngoài những vụ nhà báo bị xâm hại trong tác nghiệp, thì không ít vụ nhà báo bị “sập hầm” lại liên quan đến chính tác phong của nhà báo đó khi cho mình là “ông trời con”. Đặc biệt là nhiều nhà báo trẻ chưa có nhiều vốn sống, kinh nghiệm tác nghiệp chưa nhiều, chưa am hiểu về pháp luật nhưng lại có thái độ hống hách, phong cách trịch thượng… dẫn đến sai trái trong tác nghiệp và bài viết, tạo ra sự phản ứng của cá nhân, tổ chức được nêu trong bài báo”.
* Cần học cách tự bảo vệ mình
Chia sẻ tại tọa đàm, luật sư Nguyễn Đức - một người nhiều năm công tác trong nghề báo - cho rằng: “Một thực tế là nhiều nhà báo chưa am hiểu luật, đặc biệt là Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, thậm chí ngay cả Luật Báo chí…dẫn đến tình trạng không nhìn thấy được hậu quả pháp lý”. Do đó, theo luật sư Nguyễn Đức, nhà báo cần phải hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn Luật Báo chí và một số luật khác. Trong sử dụng tài liệu phải rất cẩn thận để không rơi vào tình trạng vi phạm bí mật quốc gia. Và đặc biệt là phải tôn trọng quyền dân sự của các cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng thông tin, hình ảnh.
Nhà báo Thu An (Báo Tuổi Trẻ) cho rằng: “Để bảo vệ mình, nhà báo cần phải biết tỉnh táo và chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất để có thể “giải cứu” cho mình khỏi những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra. Một nhà báo giỏi không chỉ cần có sức khỏe tốt, được trang bị kiến thức về chuyên môn, hiểu biết về luật pháp mà còn phải có kỹ năng nghiệp vụ và vốn kinh nghiệm sống tốt”.
* Nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Trong 15 năm qua, báo chí phát triển mạnh mẽ về loại hình, quy mô thông tin nhưng Luật Báo chí vẫn chưa thay đổi, những quy định bảo vệ nhà báo thế nào, vẫn chưa rõ. Đây là vấn đề bất cập dẫn đến một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua”. * Nhà báo Nguyễn Minh (Báo Công An TP. Hồ Chí Minh): “Có 2 thế lực làm gục ngã nhà báo. Đó là bạo lực và sức mạnh của đồng tiền. Đối với những nhà báo vì đồng tiền mà bẻ cong ngòi bút thì không còn xứng danh nhà báo, nhưng trong khi sức bảo vệ của pháp luật đối với hoạt động báo chí còn hạn chế thì nhà báo cần bình tĩnh, khéo léo và kiên quyế * Nhà báo Minh Hương (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tại TP. Hồ Chí Minh): “Nhà báo cần được bảo vệ từ bên trong lẫn bên ngoài. Bảo vệ bên trong là chính lãnh đạo cơ quan báo chí ấy bảo vệ phóng viên, bảo vệ nguồn tin, bảo vệ bài viết. Còn bảo vệ bên ngoài là trước sự chi phối của những mối quan hệ phức tạp. Nếu không, sẽ chẳng còn nhà báo nào dám dấn thân vào phanh phui những vụ việc tiêu cực”. |
Phương Liễu