Báo Đồng Nai điện tử
En

Mềm mỏng với người nghèo

10:05, 01/05/2013

Bà Nguyễn Thị Dung , cán bộ chuyên trách giảm nghèo xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), khi tiếp xúc với đối tượng nghèo trên địa bàn để vận động họ tìm hướng thoát nghèo luôn ý nhị trong việc động viên.

Bà Nguyễn Thị Dung (ảnh), cán bộ chuyên trách giảm nghèo xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), khi tiếp xúc với đối tượng nghèo trên địa bàn để vận động họ tìm hướng thoát nghèo luôn ý nhị trong việc động viên.

Tuy cật lực lao động, ông Thổ Thanh (tổ 9, ấp 94) vẫn bị cái nghèo đeo bám. Trước gia cảnh của ông, bà Dung thấu hiểu nên từ tốn lựa lời vận động. Được sự động viên và hỗ trợ 15 triệu đồng vốn giảm nghèo để nuôi 2 con bê từ bà Dung và chính quyền xã Xuân Thạnh, ông Thanh đã gạt sự mặc cảm và dồn sức chăm đôi bê cho mau lớn. Đến nay, nhà ông Thanh đã có 12 con bò và đã thoát khỏi hộ nghèo. Bà Dung cho hay, nhờ biết khơi đúng khát vọng của hộ nghèo nên nguồn vốn nhà nước đầu tư cho chương trình này luôn được hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả.

Xã Xuân Thạnh có 126 hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 28 hộ. Để khơi dậy khát vọng vươn tới no đủ của hộ nghèo, bà Dung đã bỏ ra rất nhiều thời gian để đi cơ sở, tiếp xúc, chuyện trò với hộ nghèo đồng thời phối hợp cùng với các ban điều hành ấp, hội, đoàn thể xã khảo sát, đánh giá đúng, chính xác từng đối tượng hộ nghèo để đưa vào diện hỗ trợ. Bà Dung nói: “Quan điểm của địa phương là xóa nghèo không được chạy theo số lượng, giảm nghèo phải bền vững và căn cơ. Chính vì vậy, cuối năm số hộ được đưa ra khỏi diện nghèo đều có đời sống ổn định, kinh tế phát triển, tự tạo được việc làm để tăng thu nhập”.

Từ kinh nghiệm của một cán bộ công tác hội, đoàn thể qua nhiều năm tại cơ sở, bà Dung tâm niệm, ngoài các chương trình hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm cho hộ nghèo, người cán bộ làm công tác giảm nghèo tại địa phương phải luôn song hành cùng họ tìm lối thoát cuộc sống. Trong công tác vận động phải thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều