Sau hơn 3 tháng triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, các tầng lớp nhân dân ở Đồng Nai đã đóng góp hơn 903 ngàn lượt ý kiến.
Sau hơn 3 tháng triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, các tầng lớp nhân dân ở Đồng Nai đã đóng góp hơn 903 ngàn lượt ý kiến.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào DTSĐHP năm 1992, công tác triển khai, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn được tiến hành chặt chẽ với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc. Nhiều đơn vị, địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc lấy ý kiến nhân dân.
* Hưởng ứng tích cực
Ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết để việc lấy ý kiến nhân dân vào DTSĐHP năm 1992 được thực hiện có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, phường, xã của thành phố đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đối với các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, như: hội nghị, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt chi bộ, khu phố, ấp...
Đồng chí Vy Văn Vũ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: P. Hằng |
Ông Nguyễn Tấn Xuân, Phó chủ tịch HĐND huyện Thống Nhất, cho hay, toàn huyện đã tổ chức được 67 hội nghị lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992. Trong đó, có 14 hội nghị do cấp xã tổ chức và 53 hội nghị do cấp huyện tổ chức với 4.300 lượt người đã tham dự, trong số này có 65% lượt người tham dự là đồng bào có đạo. Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn tổ chức thêm được một hội nghị với thành phần cán bộ hội phụ nữ cơ sở là người có đạo với 120 chị tham dự.
Tại huyện Vĩnh Cửu, 54/54 đơn vị cấp huyện và 12/12 xã, thị trấn cũng đều tổ chức được các hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào DTSĐHP năm 1992. Bên cạnh đó, từng ngành, từng cấp còn tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến trong giới của mình, như Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến trong các thành viên của mặt trận, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; UBND huyện tổ chức lấy ý kiến các đồng chí là bí thư, phó bí thư, thường trực Huyện ủy, lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Huyện ủy, UBND huyện, HĐND huyện, các cơ quan, đơn vị cấp huyện. Theo đó, tính đến ngày 28-3, toàn huyện Vĩnh Cửu có 22.099 lượt ý kiến đóng góp cho DTSĐHP. Trong 100% ý kiến nhất trí tán thành với nội dung của DTSĐHP năm 1992 có 305 ý kiến tán thành nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung của một số chương, điều (chiếm 1,38%).
* Tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân
Ông Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992, cho biết việc lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Trong quá trình tổng hợp ý kiến góp ý cho DTSĐHP năm 1992, chưa phát hiện có ý kiến trái chiều, phản bác, luận điệu xuyên tạc trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia góp ý vào sửa đổi Hiến pháp. Các cơ quan truyền thông của tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân và xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu sai trái trong góp ý sửa đổi Hiến pháp. |
Thể theo ý kiến của nhân dân về việc kéo dài thời gian lấy ý kiến đóng góp vào DTSĐHP năm 1992, Ủy ban DTSĐHP đã quyết định việc lấy ý kiến nhân dân được tiếp tục thực hiện đến ngày 30-9-2013. Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào DTSĐHP năm 1992 nhấn mạnh, việc kéo dài thêm thời gian để lấy ý kiến nhân dân thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, đó là nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân vào DTSĐHP năm 1992 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 cần được ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao trong xã hội. Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ triển khai việc in, gửi bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với DTSĐHP năm 1992, kèm theo bản thuyết minh và phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để người dân có điều kiện tham gia trực tiếp đóng góp ý kiến. Đồng thời, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến vào DTSĐHP.
Phương Hằng