Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm nghèo theo hướng bền vững

10:05, 29/05/2013

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, công tác giảm nghèo hiện đang được triển khai đúng hướng, có những mô hình giảm nghèo hiệu quả và cần tiếp tục nhân rộng.

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, công tác giảm nghèo hiện đang được triển khai đúng hướng, có những mô hình giảm nghèo hiệu quả và cần tiếp tục nhân rộng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (người dân tộc Khmer, ngụ ấp Thọ Hòa, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) có trên 4 ngàn m2 đất rẫy nhưng vẫn là hộ nghèo do không có vốn để đầu tư vào sản xuất.  Đầu năm 2011, gia đình anh Hòa được vay 19 triệu đồng để trồng rau và chăn nuôi. Trước khi được nhận vốn, vợ chồng anh Hòa được tập huấn kỹ thuật trồng bí đao, dưa leo và nuôi dê.

* Đồng vốn thoát nghèo

 Chỉ 2 tháng sau khi được vay vốn,  vụ rau đầu tiên, gia đình anh Hòa đã lời được 3 triệu đồng. Hơn 1 năm sau, đàn dê đã sinh sản 2 lứa với 12 con, bán được 25 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh Hòa vẫn duy trì 5 con dê sinh sản, 7 con dê để dành làm giống và 1 con dê đực giống. Chị Tuyền, vợ anh Hòa, cho biết: “Nếu không được vay vốn, không nắm được kỹ thuật mà chuyển đổi cây trồng, cứ trồng bắp với năng suất thấp như trước đây thì khó mà thoát nghèo, trong khi nhà có tới 5 miệng ăn, 3 con đang đi học”.

Nhiều nông dân xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) thoát nghèo nhờ trồng nấm. Ảnh:  C. Nghĩa
Nhiều nông dân xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) thoát nghèo nhờ trồng nấm. Ảnh: C. Nghĩa

Ông Nguyễn Chí Nghĩa (ngụ ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán), kể giữa năm 2006, gia đình ông từ Nghệ An vào Định Quán lập nghiệp. Gia đình ông vay ngân hàng 10 triệu đồng nuôi heo, nhưng khi chuẩn bị xuất chuồng thì heo bị bệnh chết hết. Không bỏ cuộc, ông Nghĩa kiên trì học nuôi gà, đồng thời được UBND huyện Định Quán hỗ trợ 150 con gà giống và 200 kg cám. Ông Nghĩa bảo: “Sau 4 tháng nuôi gà, nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nên tỷ lệ hao hụt thấp và bán lãi được 12 triệu đồng”. Nuôi gà thắng nhiều vụ, ông Nghĩa vay thêm từ Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Định Quán  25 triệu đồng mua 2 sào đất trồng lúa, bắp. Hiện nay, gia đình ông Nghĩa thường xuyên có 100 con gà thả vườn, 50 con vịt xiêm... “Nhờ làm ăn thuận lợi nên gia đình tôi đã mua được tivi, xe máy và mới dựng được căn nhà” - ông Nghĩa vui mừng cho biết.  

Trong năm 2012, từ ngân sách giảm nghèo, toàn tỉnh đã có trên 174 ngàn người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã chi để xây dựng 1.701 căn nhà tình thương cho hộ nghèo.

Còn vợ chồng anh Hoàng Văn Đức (ngụ ấp 9, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú), dù được cha mẹ cho tới 5 ngàn m2 đất cùng căn nhà gỗ 2 gian, nhưng vì không có vốn nên vợ chồng anh cứ bị cái nghèo đeo bám. Tháng 6-2010, gia đình anh được huyện cho vay 7 triệu đồng, mượn thêm bên ngoài, anh mua được con bò đang mang bầu. Khi bò đẻ, chăm sóc ít tháng gia đình anh Đức đã bán được 9 triệu đồng. Vợ chồng anh Đức còn đi học kỹ thuật trồng lúa, bắp, điều nhằm khai thác hiệu quả 5 ngàn m2 đất của gia đình.

* Giảm nghèo theo hướng bền vững

Đồng Nai hiện đang triển khai giai đoạn giảm nghèo thứ 4 (2011-2015). Mục tiêu giảm nghèo ở giai đoạn này là mỗi năm phải có ít nhất 1,5% số hộ thoát nghèo. Các hộ nghèo phải được hỗ trợ cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập bình quân.

Nhân rộng các mô hình

Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, cho biết: Để giảm nghèo bền vững phải nhân rộng các mô hình giảm nghèo; chú trọng các giải pháp mang tính lâu dài, như cho học sinh, sinh viên thuộc diện khó khăn vay vốn đi học nghề; tăng cường công tác dạy nghề phù hợp với từng địa phương, trình độ của người nghèo; tranh thủ các nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để đưa công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 về đích trước một năm.

Ông Phan Trọng Hữu, Trưởng phòng Giảm nghèo (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết các giải pháp giảm nghèo chủ yếu tập trung vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, trong đó ưu tiên cho các huyện, xã miền núi thuộc vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, như:  Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ.

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, tính đến đầu năm 2013, số hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm xuống còn 3,23%.  Hiện toàn tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo một cách bền vững để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng tái nghèo, đặc biệt không để hộ nghèo nằm “nhầm” danh sách để hưởng lợi không chính đáng từ chính sách giảm nghèo của tỉnh. Mục tiêu trong năm 2013, tỉnh sẽ đưa 7.900 ngàn hộ ra khỏi danh sách nghèo theo chuẩn mới của tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%.

Đặng Công

 

 

 

 

Tin xem nhiều