Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sáng 29-5, đại biểu Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) đã nhấn mạnh với nội dung như trên.
Phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp diễn ra sáng 29-5 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) đã nhấn mạnh như trên.
Ông cho rằng, về cơ bản nhất trí với Tờ trình của chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần phải đạt của sửa đổi Luật lần này. Tuy nhiên, Luật phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bảo đảm bình đẳng cạnh tranh theo hướng giảm mức thuế suất phổ thông để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích thu hút đầu tư vùng, địa phương, lợi thế phát triển khu công nghiệp.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường |
Để tạo động lực lan tỏa, phát triển vào lĩnh vực cần khuyến khích phát triển, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo quan tâm 4 vấn đề:
Thứ nhất, thuế suất chính là linh hồn của Luật, do vậy xác định thuế suất phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, tương thích với thuế suất của các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế Quốc tế. Đại biểu kiến nghị, cân nhắc mức thuế suất phổ thông có phân biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vì mức thuế phổ thông từ 25% giảm xuống còn 22%, trong khi đó đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mức thuế suất phải chịu là 20% là chưa phù hợp, bởi lẽ hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chứ không riêng gì doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, điều này sẽ làm bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong vùng, trong cùng một lĩnh vực, cùng một ngành nghề, cùng một địa bàn và dễ sơ hở trong việc lách luật, trốn thuế và có thể gây ra tác động ngược sau khi sửa đổi, bổ sung Luật lần này. Về lộ trình giảm thuế suất, đại biểu đề nghị xem xét thực hiện sớm hơn, thay vì 1/1/2016 mới thực hiện, để giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có thể triển khai chính sách ưu đãi về thuế kể từ 1/7/2015.
Thứ hai, ông đồng tình với việc Dự thảo Luật lần này có quy định ưu đãi đối với khu công nghiệp (KCN) theo hướng ưu đãi từ thực hiện dự án đầu tư mới trong KCN. Tuy nhiên, theo ông, cần cân nhắc xem lại, nếu loại trừ ưu đãi các KCN ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi thì sẽ gây khó khăn trong thu hút đầu tư vào các KCN trong vùng kinh tế trọng điểm. Bởi lẽ, các KCN trong vùng kinh tế trọng điểm chiếm đến 80% các KCN trên cả nước, tuy có thuận lợi về kinh tế, về hạ tầng, nhưng khó khăn không ít về chi phí đền bù; chi phí xây dựng hạ tầng, giá thuê lại đất KCN, chi phí quản lý, bảo vệ môi trường cao…Do đó, cần xem xét lại mức ưu đãi đối với các KCN.
Thứ ba là Luật sửa đổi lần này có quy định miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của các cơ sở thực hiện xã hội hóa như: Y tế, giáo dục… Tuy nhiên, đối với Hợp tác xã (HTX) lại không được thực hiện theo ưu đãi này, trong khi HTX cũng là tổ chức xã hội hóa. Đề nghị bổ sung thêm là: miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập không chia của các HTX.
Thứ tư là để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hệ thống hóa, thống kê đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định vào điều khoản thi hành của dự án luật.
PV (tổng hợp)