Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2013 tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I vẫn cơ bản giữ được nhịp độ phát triển khá.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2013 tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I vẫn cơ bản giữ được nhịp độ phát triển khá. Trong đó GDP tăng 10,5%. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng. Tuy nhiên, so với Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, mức tăng trưởng này chưa đạt mục tiêu 11,5-12% của tỉnh.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.ANH |
Dự báo những khó khăn
[links(left)]Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai nhận định, chỉ trong một quý thì chưa phản ánh hết được sự tăng trưởng của một địa phương, doanh nghiệp, nhưng thông thường quý I năm nào cũng có sự tăng trưởng tốt hơn vì đây là quý tiêu dùng mạnh do có Tết Nguyên đán. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến hết năm nay tình hình kinh tế cũng chưa thể khởi sắc. Điều này phần nào nói được nguyên nhân, lẽ ra khi giá xăng tăng thì các mặt hàng tăng theo, nhưng đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng vẫn ổn định hoặc chỉ tăng ít.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong quý I có hơn 50 doanh nghiệp phá sản. Theo bà Lệ Hồng, thực tế số doanh nghiệp phá sản mà chưa báo cáo hoặc đang trong tình trạng “ngáp ngáp” còn nhiều hơn. Hiện nay doanh nghiệp phải bôn ba khắp nơi tìm trị trường. Theo bà Lệ Hồng, để thực sự đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ phải có chuỗi chính sách vĩ mô, có giải pháp chiến lược lâu dài, không nên cứ thấy ngành nào, lĩnh vực nào chết thì mới cứu.
Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương cho hay, ngân hàng đã tạo mọi cánh cửa cho doanh nghiệp vay vốn nhưng với tình hình của doanh nghiệp hiện nay thì chỉ chấp nhận được lãi suất khoảng 10%.
Khó trong chăn nuôi và vốn đầu tư
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất cho biết, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Thời tiết nắng hạn kéo dài, kèm theo gió đã ảnh hưởng đến cây trồng, trong đó các loại cây chôm chôm, sầu riêng, bắp... đạt năng suất thấp. Bên cạnh đó, giá heo xuống thấp, trong khi giá cả đầu vào tăng, dẫn đến tình trạng người dân có xu hướng giảm đàn chăn nuôi. Theo ông Tịnh, phải tìm đầu ra ổn định cho cây trồng, vật nuôi. Huyện đang cố gắng thành lập các hợp tác xã để liên kết nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành khảo sát các lưới điện hạ thế, phục vụ sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giảm chi phí trong tưới tiêu.
Bí thư Huyện ủy Thống Nhất Huỳnh Văn Tịnh phát biểu tại hội nghị |
Đối với vấn đề xây dựng nông thôn mới, ông Tịnh nói có sự chậm trễ trong việc xây dựng. Theo ông, cần thay đổi cách thức xây dựng nông thôn mới, bởi có tiêu chí không phù hợp điều kiện thực tế, như mỗi ấp phải có 5 ngàn m2 đất để xây dựng trung tâm văn hóa.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong quý I, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 7,2% (quý I-2012 tăng 6,5%); riêng ngành sản xuất thuốc lá, da, xe có động cơ... tăng trên 20%. Đáng chú ý, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 90% so với cùng kỳ, đạt 328 triệu USD. Sản xuất nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 3,6% (mục tiêu nghị quyết tăng 3,5-3,9%). Thu ngân sách tăng 2%, đạt 6,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, so với các tỉnh trong khu vực và các tỉnh, thành phố trên cả nước, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Đồng Nai đang có xu hướng chậm lại và theo chiều hướng giảm dần. |
Một khó khăn nữa là, để đáp ứng công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, nhu cầu vốn rất lớn. Mặc dù thu ngân sách quý I đạt 20% dự toán năm, tăng 2% so cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn không đảm bảo chi. Hiện tỉnh cần khoảng 200 ngàn tỷ đồng mới đáp ứng các công trình đã được phê duyệt. “Tỉnh đã phải ứng vốn để xử lý các công trình cấp bách. Áp lực về vốn từ ngân sách rất lớn, trong đó có việc xây dựng hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc nhấn mạnh. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc, để giải quyết được nguồn vốn cho giáo dục nên có kênh để huy động vốn cho lĩnh vực này, không nhất thiết cứ phải vốn ngân sách để giảm bớt áp lực.
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số một là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch tạo nguồn vốn và huy động các nguồn vốn; phát hành trái phiếu công trình để triển khai thực hiện các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện đề án “Quỹ phát triển nguồn nhân lực tỉnh”; tích cực chỉ đạo công tác phòng, chống các dịch bệnh, không để lây lan trên địa bàn; thực hiện đồng bộ chương trình cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, sẽ có sự sắp xếp, bố trí lại cán bộ, nhất là đối với những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, không phát huy vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phương Hằng