Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền của mọi người đối với tín ngưỡng, tôn giáo

10:04, 10/04/2013

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, anh Phạm Ngọc Hiền, chuyên viên Bảo hiểm xã hội TP. Biên Hòa cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo. “Trước hết, phải khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn đúng đắn.

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, anh Phạm Ngọc Hiền, chuyên viên Bảo hiểm xã hội TP. Biên Hòa cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo. “Trước hết, phải khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn đúng đắn. Nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khá cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, bố cục có nhiều đổi mới, các chương, các điều tương đối phù hợp, có tính logic…” - anh Hiền cho biết.

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Nguyễn Chu Trinh chúc mừng lãnh đạo tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2013. Ảnh: Công Nghĩa
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Nguyễn Chu Trinh chúc mừng lãnh đạo tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2013. Ảnh: Công Nghĩa

Bên cạnh việc cơ bản tán thành nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, anh Phạm Ngọc Hiền cũng đã đưa ra góp ý cụ thể vào Điều 25 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, quy định về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Anh Hiền cho biết: “Qua nghiên cứu những nội dung cơ bản liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, là một tín đồ tôn giáo nên tôi muốn tham gia góp ý cho quy định này…”.

Theo anh Hiền, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung lớn được thể hiện trong các bản Hiến pháp kể từ khi lập nước tới nay và tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Anh đánh giá: “So với Điều 70 của Hiến pháp hiện hành, Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có bước tiến rõ rệt”. Anh Hiền khẳng định: Với việc thay cụm từ “công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” bằng cụm từ “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, bản chất của vấn đề đã thay đổi căn bản. Điều đó thể hiện một cách chính xác quyền của mọi người đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. “Mọi người” sẽ bao trùm nghĩa rộng hơn so với “công dân”, vì không phải ai cũng có quyền công dân. “Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa nhiều mặt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” - anh Hiền nói.

Về chế độ chính trị được quy định tại Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, anh Hiền cho rằng, chế độ chính trị mang tính định hướng và văn hóa, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Mỗi quốc gia có một chế độ chính trị khác nhau, bởi có nền văn hóa khác nhau, điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau. Hiến pháp của một quốc gia không thể phụ thuộc vào ý chí của bất cứ nước nào khác. Với lập luận trên, anh Hiền hết sức ủng hộ và tán thành giữ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. “Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ bờ cõi, không thể không nhắc đến công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đội ngũ tiên phong dẫn dắt nhân dân đi tới tự do no ấm…”.

Cũng theo anh Hiền, việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là sự tôn trọng lịch sử và thực tiễn con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, bên cạnh việc khẳng định vai trò tiên phong của Đảng thì đảng viên và các tổ chức Đảng phải xác định phát huy trách nhiệm trước nhân dân, bởi Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Trong xã hội cũng như trong bất cứ tổ chức nào đều cần có người đứng đầu, lãnh đạo để dẫn dắt đường hướng.

Thực tế đã khẳng định vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử cho thấy chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể tập hợp được quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ của mình, để từ đó đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tới những bến bờ vinh quang mới.

Vũ Hùng Cường (ghi)

 

Tin xem nhiều