Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nữ pháo thủ oai hùng

08:08, 30/08/2012

Trong kháng chiến chống Mỹ, những địa danh: Rừng Lá, Suối Cát, Mây Tàu, Núi Bể… ở huyện Xuân Lộc đã trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của huyện, tỉnh, quân khu… Trong số những đội quân tham gia chiến đấu đánh địch có Đội nữ pháo binh Xuân Lộc (còn được gọi là Đội cối Xuân Lộc). Hầu hết là nữ, nhưng các thành viên trong đội rất gan dạ và đầy mưu trí, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, những địa danh: Rừng Lá, Suối Cát, Mây Tàu, Núi Bể… ở huyện Xuân Lộc đã trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của huyện, tỉnh, quân khu… Trong số những đội quân tham gia chiến đấu đánh địch có Đội nữ pháo binh Xuân Lộc (còn được gọi là Đội cối Xuân Lộc). Hầu hết là nữ, nhưng các thành viên trong đội rất gan dạ và đầy mưu trí, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

* Những pháo thủ nông dân chân đất

Được hình thành từ Trung đội trợ chiến của huyện sau năm 1968, Đội cối Xuân Lộc có 13 đồng chí nữ tuổi mới đôi mươi. Tất cả họ đều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, chân chất, học hành dở dang.

Đội cối Xuân Lộc chụp ảnh lưu niệm trong căn cứ Suối Đá, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).
Đội cối Xuân Lộc chụp ảnh lưu niệm trong căn cứ Suối Đá, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).

Khi mới được thành lập, đội được giao đảm trách 2 khẩu cối 82 li và 2 khẩu cối 60 li, mỗi khẩu pháo cối nặng khoảng 54kg, cộng thêm đạn cối nặng 1,8-3,8 kg/viên. Nếu trận nào dùng cần cả 4 khẩu cối, cả đội phải chia nhau vác trên 400kg vũ khí. Cộng thêm quân trang và lương thực, bình quân mỗi chị phải mang trên mình 60kg khi hành quân, chưa kể địa hình hiểm trở nên mỗi lần di chuyển rất vất vả.

Nhưng tất cả vất vả về thể xác ấy không thấm gì so với việc phải tính toán, đo đạc để bắn chính xác mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm đó, toàn đội chỉ có vài người, như: Nghiệp, Đồng, Thuận là được học đến đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ), nên khi học cách bắn pháo cối, nghe những thuật ngữ tính toán cos, sin, góc alpha, beta… rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực học hỏi, các thành viên trong Đội cối Xuân Lộc nổi tiếng bắn chính xác, đến nỗi trong nhiều trận đánh, bọn địch cứ tưởng pháo của bộ đội chủ lực.

* Những trận đánh táo bạo

Ngay khi được thành lập và được huấn luyện nghiệp vụ, Đội cối Xuân Lộc chiến đấu trận đầu tiên vào ngày 12-3-1969. Với khẩu cối 60 li, 4 chiến sĩ: Nghiệp, Chấn, Hồng và Ngọc, từ căn cứ Tân Phong hành quân đến ấp Phú Bình, tấn công Ty Cảnh sát ngụy. Trận này, 5 cảnh sát ngụy, trong đó có cảnh sát trưởng bị tiêu diệt, nhiều tên khác bị thương nặng.

Ngày 1-11-1971, trên đường từ căn cứ 12 (thuộc huyện Định Quán) hành quân về Túc Trưng, đến đoạn núi Tùng Còn thì đơn vị bị máy bay  địch phát hiện, bắn xối xả vào đội hình, làm chị Trần Thị Thu bị thương nặng. Lúc này, đội trưởng lệnh cho đơn vị thay nhau cõng chị Thu chạy vượt ra ngoài làn đạn, còn mình lợi dụng địa hình, địa vật leo lên gò đất ngắm bắn máy bay địch. Chỉ trong loạt đạn đầu tiên của chị, máy bay địch đã bị trúng đạn bốc cháy và rớt xuống bên kia núi, cả bốn tên lính Mỹ ngồi trên máy bay đều bị tiêu diệt.

Đội nữ pháo binh Xuân Lộc
Đội nữ pháo binh Xuân Lộc

Một trận đánh điển hình về sự linh hoạt, mưu trí của đội cối là trận tấn công bất ngờ vào Chi khu Định Quán của địch. Đêm 30-3-1972, đơn vị hành quân không ngừng nghỉ về cây số 114 và bí mật đào công sự. Đến 6 giờ sáng 1-4-1972, khi quan sát thấy địch có dấu hiệu tập trung đông để bàn việc giải quyết trận địa 116, đơn vị liền cho pháo khai hỏa. 8 quả đạn 82 li rơi chính xác vào chi khu Định Quán, làm 18 tên địch chết ngay tại chỗ, thiệt hại hai kho đạn, hai dãy nhà quân sự. Về phía ta, đơn vị không chỉ bảo toàn được lực lượng, mà còn yểm trợ cho lực lượng trinh sát rút về hậu cứ an toàn. Trận này, đơn vị đã được cấp trên khen thưởng.

Chuẩn bị đón xuân 1973, cấp trên có lệnh tất cả các lực lượng vũ trang của huyện phải đồng loạt tiến công để tạo lợi thế cho phái đoàn cấp cao của ta đàm phán tại Hội nghị Paris. Lực lượng K8 và trinh sát huyện được lệnh đánh chiếm Gia Ray. Đội cối Xuân Lộc được chia làm 2 tổ, tổ cối 60 li cùng đơn vị bộ binh đánh chiếm Gia Ray (10 ngày đêm); tổ cối 82 li đánh đồn dân vệ và Trung đoàn 52 của địch. Ngay từ những quả đạn đầu tiên, đạn cối của ta đã rơi trúng đồn dân vệ và làm chết, bị thương nhiều tên địch, phá hủy nhiều khí tài, quân dụng của địch.

* Hòa chung khúc ca toàn thắng

Năm 1975, Đội cối Xuân Lộc đã dốc toàn lực phối hợp cùng các đơn vị bộ đội tham gia chiến đấu được 24 trận, tiêu diệt 42 tên ngụy, phá hỏng 2 xe tăng, 2 pháo 105 li, 4 máy PRC25, 2 đại liên, làm tiêu hao 2 đại đội ngụy, góp phần quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Xuân Lộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước ký Quyết định số 544/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ Đội cối Xuân Lộc.

Trong 7 năm chiến đấu, đơn vị đã tham gia tác chiến 131 trận, trong đó độc chiến 74 trận, tiêu diệt được 771 lính ngụy, 134 lính Mỹ, phá hư 5 lô cốt, 3 xe tăng, 3 pháo 155 li, 3 pháo 105 li và phá hư, thu giữ nhiều khí tài của địch. Đội cối nữ Xuân Lộc cũng tham gia nhiều chiến dịch, như: đẩy mạnh chiến đấu tại chiến trường góp phần cho lực lượng cách mạng giành thắng lợi trong đàm phán tại Paris; chống lấn chiếm đường sắt; giải phóng quốc lộ 1 trong mặt trận hướng Đông, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Thanh Cường

 

 

 

Tin xem nhiều