“Trong đấu tranh người Thiện Tân anh dũng, trong lao động người lại cũng anh hùng…”, câu hát được cải biên từ ca khúc Tình đất đỏ miền Đông, nhưng hoàn toàn xứng hợp với tinh thần của quân - dân xã Thiện Tân trong kháng chiến lẫn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
“Trong đấu tranh người Thiện Tân anh dũng, trong lao động người lại cũng anh hùng…”, câu hát được cải biên từ ca khúc Tình đất đỏ miền Đông, nhưng hoàn toàn xứng hợp với tinh thần của quân - dân xã Thiện Tân trong kháng chiến lẫn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Chỉ tay về phía ngôi trường đang được xây dựng với kinh phí gần 30 tỷ đồng, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân Lê Văn Hoàng phấn khởi cho biết, đến năm học sau, trên 260 học sinh bậc THCS trong xã sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang.
* Vượt khó xây dựng quê hương
Những năm sau giải phóng, so với các địa phương khác, xã Thiện Tân càng khó khăn gấp bội. Bị bom đạn địch cày xới liên tục suốt thời kỳ kháng chiến, hạ tầng cơ sở của xã tan hoang, có nơi gần như thành bình địa, như: ấp 5, 7, Ông Hường. Cả xã có một trường tiểu học duy nhất thì gần như hư hỏng hoàn toàn, học sinh không có nơi để đến trường. Đường sá đầy những hố bom lồi lõm, ruộng đất sản xuất phần nhiều bị hoang hóa. Nhưng với truyền thống đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân xã Thiện Tân đã từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống.
Học sinh Trường THCS Thiện Tân ôn lại truyền thống kháng chiến bên bia tưởng niệm liệt sĩ xã Thiện Tân. Ảnh: H.LAM |
Ngay sau ngày hòa bình, Thiện Tân đã nhanh chóng xây dựng và củng cố chính quyền, tập trung toàn lực cho sản xuất. Những đảng viên của xã ngày trước tiên phong trong đấu tranh với địch, nay lại gương mẫu đi đầu trong công tác khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất. Mùa tựu trường năm 1975, các em học sinh đã quay trở lại học tập ở ngôi trường đã được sửa chữa. Năm 1976, trong mùa tuyển quân đầu tiên, xã Thiện Tân đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Chi bộ Đảng còn giới thiệu những thanh niên ưu tú để đào tạo về trình độ chính trị - y tế - văn hóa, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, là nguồn nhân lực để xây dựng địa phương trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Bảo, cán bộ lão thành cách mạng: “82 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, hay tin xã Thiện Tân được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong lòng tôi không khỏi dậy lên niềm xúc động, tự hào. Là người dân của xã Thiện Tân, tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, trải qua cả trăm trận chiến đấu lớn, nhỏ để bảo vệ quê hương, tôi hiểu rằng Thiện Tân xứng đáng với danh hiệu anh hùng như thế nào. 58 người con của xã đã ngã xuống ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Thiện Tân còn có 11 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có nhiều bà mẹ hy sinh đến 3 người con, như các mẹ: Đặng Thị Sở, Hồ Thị Huấn, Trần Thị Răng… Đó là những điều cần nhắc lại để thế hệ sau biết được rằng, độc lập, tự do hôm nay quý giá như thế nào, đồng thời phải suy nghĩ để tiếp nối và gìn giữ như thế nào để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước”.
|
Bước vào thời kỳ đổi mới, xác định mặt trận nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đầu tư giống mới nên đã tạo được bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp, dần phát triển theo định hướng đưa nông thôn tiến đến con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trên mảnh đất khô cằn, xơ xác năm xưa dần có nhiều chuyển biến: Nhà máy nước Thiện Tân được xây dựng, Cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú đi vào hoạt động, xây dựng được 2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS...
Đến nay, ngoài 950 hécta lúa đạt năng suất trên 40 tạ/hécta, địa phương đang phấn đấu vươn lên đạt năng suất 55 tạ/hécta, đạt 34 hécta vườn chuyên canh cây bưởi, 25 hécta cao su và đàn gia súc được chăn nuôi theo hướng công nghiệp đều đem lại thu nhập cao cho người dân. Công nghiệp tăng trưởng khá đều đặn, bình quân thu ngân sách hàng năm đều đạt gần 11 tỷ đồng - một con số khá cao so với các xã khác trong huyện Vĩnh Cửu.
* Phát huy truyền thống đoàn kết
Một trong những điều mà Đảng bộ và nhân dân xã Thiện Tân tự hào, đó là suốt mấy mươi năm qua, từ lúc còn kháng chiến gian khổ cho đến giai đoạn xây dựng đất nước, tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương luôn giữ được sự đoàn kết, vững mạnh. Từ một chi bộ với 10 đảng viên vào năm 1975, đến nay Đảng bộ xã đã phát triển thành 10 chi bộ với 114 đảng viên. Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét, các chi bộ ở Thiện Tân hoạt động khá mạnh mẽ, các nghị quyết đề ra đều có chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Đặc biệt, ở Thiện Tân đã xuất hiện nhiều mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao, như: vận động dân hiến đất làm đường, cải cách hành chính, sản xuất giỏi, hỗ trợ nhau thoát nghèo…
Trung tâm văn hóa - thể thao xã Thiện Tân, nơi người dân thường đến sinh hoạt thể thao, văn nghệ. |
Ông Đặng Văn Tòng, người đi đầu trong phong trào vận động hiến đất làm đường ở xã cho biết, người dân Thiện Tân vốn có truyền thống đoàn kết tương trợ lẫn nhau, chỉ cần biết khơi gợi tinh thần này, nêu được lợi ích chung là người dân sẽ tự nguyện đóng góp. Không chỉ cắt đất làm đường, người dân còn giúp đỡ ngày công để công trình sớm hoàn thành.
Từ hiệu quả của các mô hình trên, đời sống kinh tế - xã hội của người dân xã Thiện Tân ngày càng được nâng cao. Trong tổng số 20 con đường liên ấp, đã thực hiện bê tông hóa 8 đường với tổng chiều dài 12,7km, kinh phí thực hiện là 20,5 tỷ đồng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp gần 30%, chưa kể ngày công lao động. Ở 3 ấp truyền thống: 6, 7 và Ông Hường, hiện cũng đang khởi công làm đường bê tông để chấm dứt tình trạng “nắng bụi, mưa bùn”. 100% dân trong xã đã sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước hợp vệ sinh. Thiện Tân cũng đạt tỷ lệ 100% dân có nhà kiên cố, xóa được nhà tạm bợ, nhà tranh tre nứa lá và “xóa trắng” được hộ nghèo. Ở Trung tâm văn hóa - thể thao của xã, hàng ngày các đội, nhóm thể thao, như: cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… đều đến luyện tập, thi đấu. 3 đội đờn ca tài tử trong xã cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt, biểu diễn giao lưu, là sân chơi văn hóa cho người dân Thiện Tân và các xã lân cận.
Kiên cường trong kháng chiến Nhắc đến những ngày kháng chiến gian khổ, ông Nguyễn Văn Hải - một trong những cán bộ lão thành cách mạng của địa phương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thiện Tân giai đoạn 1979-1981, cho biết, với vị trí cửa ngõ ra vào Chiến khu Đ, đồng thời nằm trên hành lang bảo vệ các cứ điểm quân sự quan trọng, như: sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình…, nên suốt thời kỳ chống Mỹ, xã Thiện Tân hứng chịu sự đánh phá dữ dội của địch. Thế nhưng, càng bị áp bức, quân - dân xã Thiện Tân càng kiên cường vùng lên, không những một lòng đoàn kết hướng về cách mạng, nuôi giấu cán bộ, vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí cho cách mạng, mà còn bao phen sát cánh cùng bộ đội chủ lực chiến đấu quyết liệt, làm quân thù khiếp vía khi đặt chân lên địa bàn xã. Ngay từ tháng 1-1961, Đội du kích xã Thiện Tân đã ra đời, không chỉ là lực lượng hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị đặc công, pháo binh Miền trong các trận đánh lẫy lừng (như các trận đánh vào sân bay Biên Hòa năm 1964, 1972), Đội còn trực tiếp chiến đấu với nhiều chiến công nổi bật, như: các trận đánh ở cầu Cây Khô, Rạch Tôm, Ba Dốc; trận tập kích cụm pháo Mỹ ở Bà Cô... Trong kháng chiến chống Mỹ, quân - dân xã Thiện Tân đã phối hợp tác chiến 130 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 154 tên Mỹ, 1.950 tên ngụy, 17 tên tề ngụy, cảnh sát, tình báo ác ôn; bắn cháy 7 xe tăng, thu 105 súng các loại, thu 2 tấn bom mìn các loại, 20 lần đánh phá cầu cống trên lộ 768, rải hàng trăm ngàn truyền đơn, phát động 4.500 lượt nhân dân đấu tranh chính trị. Căn cứ Bùng Binh nằm trên địa bàn xã với hàng trăm mét địa đạo trong lòng đất, là nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến chống đế quốc, suốt thời kỳ kháng chiến vẫn là nơi “bất khả xâm phạm” với sự chở che, bảo vệ của quân và dân Thiện Tân. |
Hà Lam