Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên tỉnh Champasak (Lào) học tập tại Đồng Nai: Nhịp cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào

11:07, 11/07/2012

Trong năm nay, 20 du học sinh tỉnh Champasak (Lào) học tập tại Trường đại học Lạc Hồng do Tổng công ty Tín Nghĩa tài trợ sẽ tốt nghiệp sau 4 năm học tập tại đây. Những du học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ tiếp tục học việc tại Tổng công ty Tín Nghĩa, sau đó được bố trí vào các vị trí chủ chốt trong các dự án mà Tín Nghĩa đang triển khai tại Champasak.

Trong năm nay, 20 du học sinh tỉnh Champasak (Lào) học tập tại Trường đại học Lạc Hồng do Tổng công ty Tín Nghĩa tài trợ sẽ tốt nghiệp sau 4 năm học tập tại đây. Những du học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ tiếp tục học việc tại Tổng công ty Tín Nghĩa, sau đó được bố trí vào các vị trí chủ chốt trong các dự án mà Tín Nghĩa đang triển khai tại Champasak.

* Những ấn tượng đẹp

Ông Lưu Ngọc Cương, Phó phòng Đào tạo Trường đại học Lạc Hồng cho biết: Từ đầu năm 2008, theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh và Tổng công ty Tín Nghĩa, trường đã tiếp nhận 20 sinh viên của tỉnh Champasak sang du học 2 khối kinh tế và kỹ thuật. Toàn bộ học phí và một số chi phí khác của sinh viên do Tín Nghĩa đài thọ, phía Trường đại học Lạc Hồng miễn phí chỗ ở trong ký túc xá, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho du học sinh ăn ở, học tập. Trong năm đầu tiên, toàn bộ sinh viên Lào đã được học tiếng Việt với sự giảng dạy của giáo viên Sở GD-ĐT. Từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên Lào được học các chương trình đại cương và chuyên ngành cùng với sinh viên Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên dạy tiếng Việt (thứ hai từ trái sang) cùng với các du học sinh Lào. Ảnh: C.NGHĨA
Cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên dạy tiếng Việt (thứ hai từ trái sang) cùng với các du học sinh Lào. (Ảnh: C.NGHĨA)

[links(left)]Chia sẻ niềm vui về những thành quả của mình đạt được sau 4 năm học tập tại trường, du học sinh Phone Xay vui mừng nói: “Ngày mới sang Đồng Nai du học, tôi bỡ ngỡ trước mọi thứ, chỉ có thể nói được mấy câu giao tiếp bằng tiếng Việt đơn giản. Nay thì tôi có thể nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt lưu loát. Cuối năm nay, tôi sẽ hoàn thành chương trình học để về nước áp dụng những kiến thức mà mình đã học vào thực tế”. Phone Xay được các sinh viên đặt cho một cái tên rất Việt Nam là Tuấn. Hàng tháng, Phone Xay là người thay mặt các du học sinh Lào đến Tổng công ty Tín Nghĩa nhận phụ cấp học tập, đồng thời nhắc các bạn của mình chấp hành tốt các nội quy của trường và pháp luật Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Huệ, chuyên viên Sở GD-ĐT, người dạy tiếng Việt cho du học sinh Lào, cho biết: “Hầu hết các em đều học tiếng Việt rất chăm chỉ theo hướng dẫn của giáo viên, mạnh dạn học hỏi thông qua giao tiếp với bạn bè Việt Nam. Mặt khác, nhiều sinh viên Việt Nam nhiệt tình giúp đỡ sinh viên Lào học tiếng Việt thông qua các buổi học trên lớp, các buổi dã ngoại, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ tại trường… Dù chỉ dạy tiếng Việt cho các du học sinh Lào trong thời gian 1 năm nhưng các em đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng về tình thầy trò. Điều khiến tôi luôn nhớ ở các em đó là em nào cũng sống rất tình cảm, khiêm tốn và lễ phép” - cô Huệ cho biết.

Là người gắn bó ngay từ những ngày đầu tiên 20 du học sinh Lào sang học tập tại trường, cô Lê Thị Hiếu, Trưởng ban quản lý ký túc xá Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Ngày mới sang học tập tại trường, nhiều em còn bỡ ngỡ, rụt rè, có em còn khóc sưng cả mắt vì nhớ cha mẹ. Sau 4 năm nhìn lại, đến nay các em đã có bước trưởng thành rất lớn, em nào cũng ý thức tốt việc học của mình, chấp hành các nội quy của ký túc xá. Đặc biệt, các em còn để lại nhiều ấn tượng đẹp và tình cảm trong các sinh viên Việt Nam về tinh thần tự học, khiêm tốn và hòa nhã”. 

* Kết nối tình hữu nghị

Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Các du học sinh Lào chính là những du học sinh nước ngoài đầu tiên mà trường nhận đào tạo từ khi thành lập trường cho đến nay. Chúng tôi vui mừng vì tất cả các em đều nỗ lực hết mình, hoàn thành trọn vẹn từng chương trình học tại trường và không có em nào phải bỏ học giữa chừng. Chúng tôi luôn ý thức được rằng, ngoài giúp các em có kiến thức vững vàng để khi về nước, có thể làm việc được ngay, thì chúng tôi còn có một nhiệm vụ khác là giúp các em hiểu thêm thật nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Ngoài những gì chúng tôi mang lại cho du học sinh Lào, trong thời gian học tập tại trường, chính các em đã là những đại sứ giúp sinh viên Việt Nam hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Lào thông qua các hoạt động văn hóa do sinh viên Lào tổ chức tại trường”.

Nói chuyện với sinh viên Lào nhân tổ chức Tết Bunpimay, ngày 9-4-2012, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh: Tỉnh Đồng Nai luôn coi những du học sinh Lào đang học tập tại Đồng Nai là tài sản quý báu của tình đoàn kết giữa hai tỉnh Đồng Nai và Champasak, do đó du học sinh Lào và thanh niên Đồng Nai phải không ngừng học tập, rèn luyện tư tưởng chính trị; trao đổi tri thức, kinh nghiệm lẫn nhau. Tuổi trẻ hai tỉnh phải không ngừng trau dồi lý tưởng phụng sự Tổ quốc giàu đẹp, láng giềng hữu nghị, đoàn kết cùng phát triển, làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc trong khu vực; kế thừa xứng đáng sự nghiệp vun đắp tình hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước Việt Nam - Lào, hai tỉnh Đồng Nai - Champasak.

Ông Nguyễn Đức Phụng, Phó giám đốc nhân sự Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết: “Tổng công ty đang đài thọ cho 40 du học sinh Lào học tập tại Việt Nam, trong đó tại Trường đại học Lạc Hồng có 20 du học sinh. Toàn bộ du học sinh Lào đều được nhận về thực tập tại các công ty thành viên của Tín Nghĩa, đồng thời những sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi sẽ được nhận về học việc tại tổng công ty trước khi đưa về Lào bố trí vào các vị trí chủ chốt trong các dự án do Tín Nghĩa triển khai. Những du học sinh khác có nguyện vọng cũng sẽ được bố trí làm việc tại tỉnh Champasak.

Samrieng Seng Khiya, sinh viên năm cuối ngành quản trị tâm sự: “Ngoài kiến thức chuyên ngành tiếp thu được trong thời gian học tập tại trường, em còn khám phá nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam, đặc biệt về Biên Hòa - Đồng Nai thông qua các hoạt động ngoại khóa. Em cảm thấy may mắn khi có cơ hội học tập tại Đồng Nai, đặc biệt là mới đây em được biết giữa hai tỉnh Đồng Nai và Champasak có thêm sự hợp tác về nhiều mặt, đồng thời giữa TP.Biên Hòa và thị xã Pakse  sẽ ký kết chương trình hợp tác trong thời gian tới”...

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều