Là một tỉnh tập trung đông dân cư, nhiều thành phần sinh sống và là nơi có những tuyến đường huyết mạch đi qua, nên tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai luôn ở mức cao. Để góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh, những năm qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Là một tỉnh tập trung đông dân cư, nhiều thành phần sinh sống và là nơi có những tuyến đường huyết mạch đi qua, nên tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai luôn ở mức cao. Để góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh, những năm qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
* Tích cực trong công tác tuyên truyền
Năm 2000, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 02 về việc phát động phong trào vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, MTTQ tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật.
Khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện công tác vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT. Ảnh: P. MAI |
Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào, Đồng Nai đã mở được 80 lớp tập huấn chuyên đề về Luật Giao thông đường bộ, các nghị định, chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh về bảo đảm trật tự ATGT cho hơn 9.600 Trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, Hội Người cao tuổi các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, qua đó nâng cao kiến thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào. Riêng MTTQ các cấp còn lồng ghép việc tuyên truyền cho nhân dân vào các cuộc họp tổ dân phố, ấp, khu dân cư. Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh những năm qua còn có sự tham gia rất tích cực của các giáo xứ, nhà thờ, hội thánh Tin lành. Điều đó được thể hiện qua việc các chức sắc đã lồng ghép vào nội dung rao giảng của mình về tình hình tai nạn giao thông, nguyên nhân gây tai nạn giao thông… để giáo dân biết và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Không chỉ chú trọng đến công tác tuyên truyền, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, MTTQ các cấp đã bổ sung tiêu chí “Khu dân cư ATGT”; phiếu đăng ký “Gia đình đảm bảo ATGT” vào tiêu chuẩn công nhận ấp, khu phố, gia đình văn hóa. Theo đó, mỗi ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh để được công nhận danh hiệu văn hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn không để xảy ra TNGT nghiêm trọng. Tác động rõ nét từ phong trào này có khu Phước Hải, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Sau khi thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, khu Phước Hải không còn cảnh xảy ra nạn đua xe trái phép, gây TNGT nghiêm trọng như trước đây. Đặc biệt, người dân trong khu còn tích cực đóng góp tiền của, tu sửa các tuyến đường, thắp đèn chiếu sáng các nơi công cộng để đảm bảo việc đi lại dễ dàng cho người dân, đảm bảo ATGT trên địa bàn.
* Góp phần kiềm chế tai nạn giao thông
Cùng với công tác tuyên truyền, MTTQ và các đoàn thể còn thực hiện công tác giám sát, nắm danh sách những hộ gia đình ở khu dân cư có con em dưới 16 tuổi, từ đó vận động các gia đình quản lý con em không cho đi xe máy trước tuổi quy định, không đua xe trái phép. Chuyển biến trong việc làm này có khu phố 3, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), địa bàn từng có 2-3 băng nhóm thanh thiếu niên thường xuyên tổ chức đua xe, chạy xe không đội mũ bảo hiểm. Sau khi được Ban công tác Mặt trận, Ban bảo vệ dân phố và Cảnh sát khu vực tổ chức các cuộc họp dân, quyết định đưa các đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Giao thông ra kiểm điểm trước dân thì tình hình vi phạm của các thanh thiếu niên nói trên đã không còn, đến nay nhân dân trong khu đều đã chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.
Theo bà Bùi Thị Liễu, Trưởng ban phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh, qua hơn 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, toàn tỉnh đã xây dựng 49 mô hình điểm xã, phường bảo đảm trật tự ATGT. Thông qua các mô hình đó đã xuất hiện nhiều “điểm vàng vì ATGT” tại các khu dân cư, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn trật tự ATGT của người dân, giải tỏa được một số điểm nóng về lấn chiếm hành lang buôn bán, ụ rác lớn tại các ngã ba, tư, khu vực chợ ở một số địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Liễu, công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa thực sự sâu rộng trong dân, còn dàn trải. Trong các buổi tuyên truyền chuyên đề về ATGT tại các cuộc họp dân, đối tượng dự nghe chủ yếu là người già, trong khi những đối tượng chính tham gia giao thông là thanh niên thì lại vắng mặt. Ngoài ra, vai trò giám sát thực thi pháp luật giao thông của MTTQ cấp cơ sở hiện chưa cao; việc khắc phục các “điểm đen” TNGT của các cơ quan chức năng còn chậm; công tác xử lý các vi phạm ATGT có lúc, có nơi chưa triệt để…
Theo bà Liễu, thời gian tới MTTQ các cấp sẽ tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, kịp thời biểu dương người tốt việc tốt trong phong trào toàn dân bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời, phấn đấu mỗi ấp phải tổ chức được một lần/năm, đưa các đối tượng vi phạm giao thông, lấn chiếm lòng lề đường… ra kiểm điểm trước dân, từ đó tạo nếp sống văn hóa giao thông trong từng cộng đồng dân cư.
Phương Hằng