Tại các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước, đặc biệt là các điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất dễ bắt gặp các vị khách nước ngoài say sưa nhìn ngắm các bà, các cô thêu, may trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Ngoài phong cảnh, các di tích lịch sử, lễ hội văn hóa, ẩm thực thì trang phục là yếu tố hấp dẫn du khách và cũng là chỉ dẫn quan trọng về bản sắc văn hóa của một dân tộc. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước lại xuất hiện những cô gái Việt xúng xính trang phục nước ngoài, vô tư “check-in” rồi đăng lên mạng. Những hình ảnh du khách tạo dáng ở sông Nho Quế (Hà Giang) với trang phục Mông Cổ, Tây Tạng hay mặc trang phục Thái Lan tại một điểm du lịch ở Ninh Bình xuất hiện khá phổ biến trên mạng xã hội. Tại Đà Lạt, một khu du lịch nông trại được khá nhiều du khách quan tâm nhưng rất khó để nhận biết đây là điểm du lịch của Việt Nam vì hầu hết các bức ảnh được du khách chụp tại đây đều có màu sắc Mông Cổ với các khung cảnh, vật nuôi tái hiện cảnh sinh hoạt, lao động hoàn toàn xa lạ với người Việt. Bình luận dưới bài đăng trên Facebook của một điểm du lịch ở Đà Lạt, một bạn trẻ phản đối việc mặc trang phục nước ngoài bởi nó có thể lạ, đẹp nhưng không phù hợp, chúng ta không thiếu những bộ trang phục truyền thống đẹp!
Hình ảnh du khách với trang phục nước ngoài tại một khu du lịch ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh chụp màn hìn |
Câu chuyện mặc gì khi đi du lịch tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, bởi qua đó cho thấy nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận giới trẻ hiện nay về trang phục dân tộc. Việc mặc những trang phục “ngoại lai” tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước đã làm cho trang phục truyền thống mất đi chỗ đứng ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó. Rộng hơn, hành động này còn bào mòn những giá trị, bản sắc văn hóa thiêng liêng của dân tộc và làm mất đi định danh du lịch địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, những chuyển biến nhanh chóng của đời sống xã hội, trào lưu nghệ thuật, thẩm mỹ đa dạng, đòi hỏi tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có trang phục. Điều này cũng chính là bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam đã tồn tại từ ngàn đời, phản ánh đa dạng nguồn cội, nhân sinh quan của mỗi dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống trong đời sống hiện đại chính là nhiệm vụ không kém phần quan trọng để “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” đã được Đại hội XIII của Đảng xác định. Hay như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.
Nhật Hạ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin