Báo Đồng Nai điện tử
En

Nói không với phim nước ngoài xuyên tạc lịch sử Việt Nam

Lâm Viên - Nhật Hạ
08:00, 08/01/2025

Nội dung phong phú, hấp dẫn, chất lượng hình ảnh cao, cộng với việc có thể xem phim trực tuyến mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị điện tử, các nền tảng OTT (over the top - các dịch vụ cung cấp nội dung kỹ thuật số trực tuyến) xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam đang cung cấp rất nhiều sản phẩm văn hóa và tiếp cận lượng người dùng đông đảo. Bên cạnh đem lại những giá trị tích cực cho công chúng tiếp nhận, các sản phẩm này cũng tiềm ẩn nguy cơ về an ninh văn hóa.

Cảnh trong phim Squid Game 2 có lời thoại gây bức xúc cho khán giả Việt Nam.
Cảnh trong phim Squid Game 2 có lời thoại gây bức xúc cho khán giả Việt Nam.

Theo đó, một số sản phẩm văn hóa này đã khéo léo “cài, cắm” các nội dung về thông tin, hình ảnh không chuẩn mực, thậm chí độc hại, vi phạm pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những nội dung này có thể len lỏi và thấm dần vào đời sống văn hóa người xem, nhất là với giới trẻ.

“Cài, cắm” nội dung xuyên tạc, xấu độc

Sau thành công của phần 1, bộ phim truyền hình Hàn Quốc Squid Game (Trò chơi con mực) phần 2 được khán giả toàn cầu trông đợi bởi nội dung hấp dẫn và kịch tính của loạt phim này. Ngày 26-12-2024, phần 2 của bộ phim gồm 7 tập đã được phát hành trên nền tảng xem phim trực tuyến Netflix.

Với sức mạnh của nền tảng xuyên biên giới, bộ phim đang có sức lan tỏa mạnh khi tiếp xúc với người xem trên toàn cầu.  Squid Game 2 đã giữ vị trí Top 1 bảng xếp hạng chương trình truyền hình không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất Netflix toàn cầu tại 93 quốc gia/vùng lãnh thổ. Bộ phim cũng lập kỷ lục về lượng người xem mới trong tuần đầu tiên với hơn 480 triệu giờ xem. Điều đáng nói là ở tập 5 của phim, nhân vật Kang Dae Ho (do Kang Ha Neul thủ vai) kể với nhóm bạn: “Bố tôi từng tham gia chiến tranh Việt Nam”, tiếp đó, một người khác nhận xét: “Bố cậu là người tuyệt vời” trước biểu cảm ngưỡng mộ của các nhân vật xung quanh.

Có thể thấy, trong một bộ phim kéo dài nhiều tập, mỗi tập hơn 60 phút, cảnh quay cuộc hội thoại này xuất hiện vỏn vẹn vài giây với 2 câu thoại rất đơn giản, chỉ là một lát cắt rất nhỏ. Tuy nhiên, thông qua lát cắt này có thể đánh giá được nhận thức của đơn vị tổ chức sản xuất bộ phim. Họ nghĩ gì khi cổ xúy và tự hào về việc “tham gia chiến tranh Việt Nam” - một cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân - đế quốc tiến hành trên đất nước Việt Nam? Hòng thực hiện dã tâm của mình, gót giày đế quốc và quân chư hầu đã thực hiện rất nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam, và cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã từng bị rất nhiều tổ chức, nhân dân, truyền thông tiến bộ trên thế giới phản đối kịch liệt bằng nhiều hình thức khác nhau.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, mãnh liệt, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dân tộc Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, quét sạch bóng thực dân, đế quốc, quân chư hầu và chính quyền tay sai ra khỏi biên cương. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, người Việt Nam đã và đang gác lại quá khứ đau thương, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng làm bạn với các nước vì hòa bình, hợp tác, phát triển; nhưng không vì thế mà người dân Việt Nam quên đi những giá trị lịch sử của mình, hoặc để cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào xuyên tạc, bông đùa với lịch sử dân tộc.

Nếu không tỉnh táo, những chi tiết tuy rất nhỏ nhưng lại có “sức nặng” có thể đầu độc người xem, dễ dẫn tới những nhận thức, hiểu biết sai lệch về chính lịch sử đất nước mình. Do đó, bên cạnh khâu kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa nước ngoài chặt chẽ thì chính khán giả, người xem cũng cần trang bị cho mình một bộ lọc để có thể tự loại bỏ, tẩy chay những sản phẩm văn hóa độc hại, thậm chí là xuyên tạc, xúc phạm lịch sử dân tộc.

Nhiều phim nước ngoài có nội dung xấu độc, xuyên tạc bị gỡ bỏ

Trò chơi con mực 2 không phải là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc gây tranh cãi khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam. Trước đó, dư luận cũng đã chỉ trích, tẩy chay bộ phim Little Women vì có yếu tố xuyên tạc lịch sử. Phim đã bị gỡ khỏi Netflix theo yêu cầu của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông). Theo đó, bộ phim đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại khoản 4, Điều 9 Luật Báo chí về xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc và vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại khoản 4, Điều 11 Luật Điện ảnh với nội dung tương tự điều khoản nêu trên ở Luật Báo chí.

Bên cạnh các nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam, một số phim nước ngoài thu hút lượng lớn người xem được phát hành trên các nền tảng OTT vi phạm chủ quyền quốc gia khi lồng ghép tinh vi hình ảnh “đường lưỡi bò” vào các cảnh phim.

Năm 2024, dịch vụ OTT tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, số thuê bao OTT tăng ấn tượng từ 5,56 triệu lên 7,4 triệu, đạt mức tăng trưởng 33% - theo số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.

Bộ phim Hướng gió mà đi của Trung Quốc là một ví dụ, những “đường lưỡi bò” xuất hiện nhiều lần trong 9/39 tập phim. Đặc biệt, cùng với hình bản đồ, phim còn có phụ đề với nội dung: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Bộ phim sau đó đã được Netflix và FPT gỡ khỏi các nền tảng của mình.

Trước đây, Netflix đã từng phải gỡ một số phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder, Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary (năm 2020) hay Pine Gap (2021). Đối với phim tài liệu, Netflix cũng đã phải gỡ tập 1 của phim MH370: Chiếc máy bay mất tích theo yêu cầu của Việt Nam do tập phim truyền bá nội dung sai sự thật, cho rằng Việt Nam không hợp tác trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chiếc máy bay này.

Khán giả Việt Nam bức xúc

Điều đáng quan ngại là những bộ phim có nội dung vi phạm lại là phim “hot”, thu hút lượng lớn người xem, hâm mộ. Những lời thoại xuyên tạc, hoặc có bối cảnh quay không phù hợp lại được một số diễn viên nổi tiếng thủ vai chính, vốn là thần tượng của giới trẻ Việt. Do đó, không loại trừ khả năng tấn công tư tưởng người xem thông qua việc mê hoặc, dẫn dụ bằng những “viên kẹo bọc đường”, những câu chuyện ngôn tình màn ảnh sướt mướt. Do hâm mộ, yêu mến hình ảnh “tổng tài”, “nàng thơ” nước ngoài, nên một số câu thoại, trang phục trong phim trở thành “trend” ở Việt Nam.

Một trang mạng xã hội bày tỏ quan điểm trước lời thoại trong tập 5 phim Squid Game 2.
Một trang mạng xã hội bày tỏ quan điểm trước lời thoại trong tập 5 phim Squid Game 2.

Tuy nhiên, trước sự lựa chọn niềm yêu thích phim và tinh thần dân tộc, nhiều bạn trẻ đã thể hiện rõ thái độ của mình khi đề cao lòng yêu nước, quay lưng với phim có nội dung không phù hợp. Theo đó, ngay khi đoạn hội thoại trên trong tập 5 của bộ phim Trò chơi con mực 2 phát sóng, lập tức những người Việt Nam yêu thích bộ phim đã bày tỏ sự thất vọng và bức xúc vì tình tiết xuyên tạc và thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam xuất hiện trong phim. Nhiều người xem đề xuất sớm gỡ phim khỏi nền tảng xem phim trực tuyến tại Việt Nam.

Chị Phạm Ngọc Như (ngụ thành phố Biên Hòa) cho biết: “Mặc dù rất trông chờ phần 2 của bộ phim nhưng khi biết phim có những lời thoại ca ngợi những cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam thì tôi không còn hứng thú nữa. Chúng ta nên nói không với những sản phẩm hấp dẫn nhưng độc hại này, nhất là với giới trẻ”.

Trên nhiều các diễn đàn mạng xã hội về phim ảnh, nhiều dòng trạng thái đăng tải hình ảnh chụp màn hình đoạn hội thoại trên, đồng thời kêu gọi “fan” (người hâm mộ) Việt Nam “quay xe”, tỉnh táo hơn trong chọn lựa các tác phẩm phim ảnh nước ngoài.

Trước thực trạng các sản phẩm văn hóa xấu, độc vẫn len lỏi tiếp cận người xem, bên cạnh việc ngành chức năng duy trì các biện pháp đấu tranh cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam, rất cần ý thức của người dùng internet. Đây là yếu tố rất cần thiết nhằm bảo vệ biên cương văn hóa trên không gian mạng từ sớm, từ xa.

Lâm Viên - Nhật Hạ

Tin xem nhiều