Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2-12)
Mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Nguyệt Hà
07:05, 02/12/2024

60 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân dân ta đã làm nên chiến công vang dội - Chiến thắng Bình Giã (2-12), đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng miền Nam trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nghi thức tri ân, tiếp lửa truyền thống trong Chương trình Giao lưu nhân chứng nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã.
Nghi thức tri ân, tiếp lửa truyền thống trong Chương trình Giao lưu nhân chứng nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã. Ảnh: HỮU NỘI

Nhận định về thắng lợi này tại Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” (hội thảo), tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, thượng tướng, tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo, cho rằng Chiến thắng Bình Giã là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, đồng thời là một trong những chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) trên chiến trường miền Nam. Qua đó, khẳng định vai trò to lớn của LLVT, bộ đội chủ lực trong cách mạng Việt Nam, góp phần đánh thắng chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của đế quốc Mỹ giai đoạn 1961-1965, buộc chúng phải chuyển sang hình thức Chiến tranh Cục bộ sau năm 1965.

Vang dội chiến công

Theo các tài liệu lịch sử và nhiều nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh 60 năm trước, vào đêm 2-12-1964, lực lượng chủ lực Miền đã nổ súng mở màn Chiến dịch Bình Giã, một xã thuộc huyện Châu Đức, cách thành phố Bà Rịa chừng 18km.

Các lực lượng đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, 2 trận cấp tiểu đoàn và kết thúc vào ngày 3-1-1965. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn, 1 chi đoàn xe M113 và 2 đoàn xe cơ giới; đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân, 7 đại đội bảo an, nhiều ấp chiến lược ở ven đường số 2 và đường số 15 thuộc các huyện: Đất Đỏ (Bà Rịa); Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị phá tan. Huyện Hoài Đức được giải phóng; vùng Căn cứ Hát Dịch được củng cố, mở rộng, nối liền Chiến khu Đ với Căn cứ Bình Thuận.

Với thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 ngàn địch, trong đó có 28 lính Mỹ, bắt sống 293 tên, diệt và phá hủy 45 xe quân sự các loại, bắn rơi 24 máy bay, thu 1 ngàn súng các loại; làm phá sản chiến lược Chiến tranh Đặc biệt. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận: “Mối thất vọng của Washington đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã...”.

Trực tiếp tham gia Chiến dịch Bình Giã, đại úy, bác sĩ Tăng Phát Nhuần, nguyên Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, kể lại khi được lệnh mở màn đánh địch ở Bình Giã ngày 2-12-1964, Tiểu đoàn 2 triển khai bộ phận quân y hạ lán tại rừng chồi cạnh Ban Chỉ huy đơn vị. Tiếng súng mở màn vang mặt trận, ta dụ địch ra ngoài ấp để đánh phục kích, trúng ý đồ của ta nên đã không gây thiệt hại cho dân. Sau 1 giờ chiến đấu, ta đã giành chiến thắng. Trong trận này, quân ta không bị thiệt hại nhiều, chỉ có một số bị thương. Đối với địch, chúng bị thương khá nhiều. Bác sĩ Nhuần được chính trị viên tiểu đoàn giao nhiệm vụ vào cứu chữa bọn địch bị thương.

“Khi đó, tôi hiểu chúng ta đang làm công tác binh, địch vận nên được bộ phận trinh sát dẫn đường, tổ quân y vào trận địa. Tôi quan sát thấy 1 tên địch nằm kiểu giả chết vì bị gãy xương đùi, tôi băng lại cho tên địch và dặn “nếu gặp quân Giải phóng thì đầu hàng sớm để giữ mạng sống và kêu gọi đồng đội bỏ ngũ về với gia đình” - ông Nhuần kể.

Ông Nhuần bộc bạch: “Tham gia vào Chiến dịch Bình Giã, tôi cảm nhận sâu sắc về tình quân - dân như cá với nước. Tôi thấy ngoài bộ đội còn có nam, nữ thanh niên cùng nhân dân địa phương tham gia tải đạn và vận chuyển lương thực cho bộ đội đánh thắng quân thù”.

Quân dân Đồng Nai trong thắng lợi Bình Giã

Theo các tài liệu trong kỷ yếu khoa học kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã, quân và dân Đồng Nai đã góp sức to lớn vào chiến dịch Bình Giã, góp phần làm phá sản chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của đế quốc Mỹ ở miền Nam.

Trước khi mở Chiến dịch Bình Giã, cuối năm 1964, Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho Tỉnh ủy Biên Hòa chỉ đạo mở các hoạt động nghi binh. Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Biên Hòa đã tập trung chỉ đạo tăng cường phát triển lực lượng cách mạng, nhất là LLVT, chú ý phát triển lực lượng biệt động, du kích mật, tự vệ mật trong các thị xã, thị trấn phục vụ đắc lực cho các hoạt động của bộ đội khu, miền.

Đồng thời xác định để đánh thắng địch trên chiến trường Biên Hòa, lực lượng cách mạng, nhất là LLVT phải áp sát thành phố, thị xã, “căng”, “kéo” địch ra, động viên quân dân đánh Mỹ bằng mọi thứ vũ khí hiện có; kết hợp ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận tiến công địch trên mọi mặt trận, mọi lúc, mọi nơi… góp phần vào thắng lợi.

Theo đại tá Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, trong Chiến dịch Bình Giã, Tiểu đoàn 800 của quân khu và Đại đội 240 tỉnh Đồng Nai đã bố trí lực lượng, đánh mạnh vào các đoàn xe quân sự của địch trên đường số 15 (đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành ngày nay). Lực lượng tập trung của Long Thành và du kích xã bao vây, đánh đồn bốt của địch ở các xã: Phước Thái, Long Phước, Tam An, Tam Phước, An Hòa kéo địch về đối phó ở vùng Biên Hòa, kết hợp pháo kích mạnh vào Sân bay Biên Hòa tạo nghi binh, đánh lạc hướng để chủ lực Miền đánh địch tại Bình Giã.

“Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã đã khẳng định trước, trong, sau chiến thắng, quân dân Đồng Nai đã làm tròn nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn về người, về của cho thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã”- đại tá, tiến sĩ Lê Thanh Bài nhấn mạnh.

Đại tá, tiến sĩ Lê Thanh Bài cho rằng, Chiến thắng Bình Giã mãi mãi là mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chiến thắng này, quân dân các tỉnh, thành Đông Nam Bộ (trong đó có Đồng Nai) đã đóng góp to lớn về người và của, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch trên hướng chiến trường trọng điểm - Đông Nam Bộ, làm thất bại chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của đế quốc Mỹ ở miền Nam, buộc chúng phải chuyển sang một chiến lược quân sự mới là Chiến tranh Cục bộ sau năm 1965.                                                                                   

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều