Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 8: Đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp

Theo quochoi.vn
13:12, 03/12/2024

Đánh giá về kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu khẳng định, Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Vì vậy, ngay sau Kỳ họp thứ 8, cần tích cực triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua để các quyết sách sớm đi vào cuộc sống.

Quang cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quản Minh Cường - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp

Có thể nói, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có nhiều dấu ấn đổi mới, trong đó có khối lượng nội dung về công tác lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Kỳ họp này đã xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, trong đó có 04 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đại biểu Quản Minh Cường - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Tiêu biểu như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn để thể chế hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, tạo hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách trong thực tiễn.

Tương tự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Thuế thu nhập các nhân; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Vì vậy, các Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8 được Quốc hội thông qua đều đạt tỉ lệ tán thành cao. Mỗi dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét đều được các vị đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, đúng trọng tâm, với tất cả tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm thực sự trước đất nước, trước Nhân dân.

Các đường lối chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương được Quốc hội kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, không để bị tắc nghẽn, không có tình trạng ngồi chờ. Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có nhiều dự án luật rất mới, phù hợp với xu thế phát triển như: Luật Dữ liệu, Luật Công nghiệp công nghệ số… thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội. Sự đổi mới này còn thể hiện ở chỗ, Quốc hội không ngại tiếp tục sửa đổi các luật, điều luật mới ban hành để phù hợp với thực tiễn. Có thể nói, Quốc hội luôn bám sát cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người và phục vụ phát triển đất nước, phục vụ Nhân dân.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Kỳ họp thứ 8 - Bước tiến lớn trong công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội khóa XV

Theo tôi, Kỳ họp thứ 8 là một kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những bước tiến lớn trong công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội. Về cơ bản, tôi nhận thấy Kỳ họp này có những điểm nổi bật, đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, khối lượng công việc lớn: Kỳ họp đã xem xét và thông qua 18 Luật và 21 Nghị quyết quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh. Điều này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Quốc hội trong việc hoàn thiện bộ máy pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân.

Thứ hai, tính cấp thiết và đổi mới: Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận và quyết định tại Kỳ họp đều mang tính cấp thiết, đòi hỏi sự giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến nhiều đổi mới trong phương thức làm việc, với sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và tham gia của các vị đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Thứ ba, tính dân chủ và cởi mở: Kỳ họp đã diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, trí tuệ, đại biểu được phát biểu thẳng thắn, đóng góp ý kiến xây dựng. Điều này thể hiện sự tôn trọng ý kiến của đa số và sự lắng nghe ý kiến của thiểu số.

Thứ tư, tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội: Nhiều vấn đề mà Nhân dân quan tâm như chất lượng giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội... đều được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng và đưa ra những giải pháp cụ thể.

Tôi nhận thấy, quá trình xem xét và thông qua các Luật luôn được tiến hành hết sức nghiêm túc và cẩn trọng. Trước khi trình Quốc hội, các dự án luật đều được công khai để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội và Nhân dân đóng góp ý kiến. Điều này giúp đảm bảo rằng luật pháp được xây dựng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của đa dạng các đối tượng, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội. Các dự án luật được các Ủy ban của Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thảo luận về tính hợp lý, khả thi và sự phù hợp với Hiến pháp và các luật khác. Đồng thời tại các Phiên thảo luận tổ và Phiên họp toàn thể ở hội trường, các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng từng điều khoản của dự án luật, đưa ra những ý kiến đóng góp để hoàn thiện luật pháp. Đây là một khâu quan trọng để đảm bảo rằng luật pháp được thông qua là sản phẩm trí tuệ tập thể của Quốc hội.

Nhìn chung, Kỳ họp thứ 8 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa công tác của mình, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả làm việc, tăng cường sự tương tác với cử tri và Nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác tham vấn xã hội, mở rộng kênh tiếp nhận ý kiến của người dân, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Cùng với đó, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác lập pháp như tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giúp họ hoàn thiện các dự án luật một cách tốt nhất. Thường xuyên đánh giá hiệu quả của luật, sau khi luật được ban hành, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi của luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Tôi tin rằng, với những nỗ lực không ngừng của Quốc hội và các cơ quan liên quan, chất lượng của các dự án luật sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Triển khai thực hiện có hiệu quả các Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua

Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Trên cơ sở xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao, trong đó có các Luật, Nghị quyết được doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư... Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết; đồng thời, đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều tờ trình, đề án có ý nghĩa rất quan trọng như: Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam... Có thể nói, đây đều là những vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Về cơ bản, tôi cho rằng, các Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Điều này sẽ kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua cũng như cho ý kiến lần đầu đều được chuẩn bị nghiêm túc, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, không quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Vì vậy, ngay sau Kỳ họp thứ 8, các cơ quan liên quan cần khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua để các quyết sách sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.

Theo quochoi.vn

Tin xem nhiều