Sau hơn một tháng mở cửa hoạt động, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Bảo tàng) đã đón lượng khách kỷ lục.
Người dân tham quan khu Tổ hợp Hà Nội mùa Đông 1946. Ảnh:N.Hà |
Trung tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng cho biết, Bảo tàng được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên diện tích hơn 386 ngàn m2, tại các phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Khoa học, hiện đại, giàu cảm xúc
Bảo tàng có quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, diện tích xây dựng 23,1 ngàn m2; hệ thống trưng bày tại tầng 1 giới thiệu hàng ngàn hiện vật, được tổ chức khoa học, phong phú, ứng dụng công nghệ tiên tiến như sa bàn 3D, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động, mã QR tra cứu thông tin hiện vật… Qua đó, phản ánh toàn diện lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như sự hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng của đất nước.
Trong khuôn viên Bảo tàng có Tháp Chiến thắng cao 45m với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945 - năm Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhìn tổng thể, Bảo tàng được thiết kế theo ý tưởng cung nỏ - một loại vũ khí của người Việt xưa. Các hàng cột xiên trước Bảo tàng thể hiện hình lũy tre tượng trưng cho sự mềm dẻo, linh hoạt, vừa khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Khu trưng bày ngoài trời phía trước tòa nhà giới thiệu một số vũ khí và phương tiện chiến tranh của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Trung tướng Nguyễn Công Tranh, nguyên Chính ủy Tổng cục Hậu cần, khi đến tham quan Bảo tàng xúc động chia sẻ: “Khi xem những hiện vật trưng bày nơi đây, ký ức một thời hào hùng như quay về. Đặc biệt khi đến khu tổ hợp đường Trường Sơn, tôi đã bật khóc vì trên tuyến đường ấy năm xưa đã có rất nhiều đồng đội của tôi ngã xuống, không kịp chứng kiến ngày đất nước độc lập”.
Làm cho tư liệu, hiện vật… “biết nói”
Theo trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, để thuận lợi cho du khách đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu, Bảo tàng đã tập trung trưng bày, giới thiệu các hiện vật theo 6 chủ đề chính, gồm: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; bảo vệ độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858; chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại Việt Nam từ 1945-1954; cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954-1975; xây dựng và bảo vệ đất nước sau năm 1975 đến nay. Mỗi hiện vật được ứng dụng công nghệ mới trong trưng bày, làm rõ nguồn gốc, câu chuyện, có mã quét QR bằng tiếng Việt và tiếng Anh nhằm tạo thuận lợi cho người tìm hiểu.
“Chẳng hạn khi đến khu vực trưng bày máy bay MiG số hiệu 5121, người tham quan vừa có thể đọc nhanh thông tin, vừa quét mã tìm hiểu kỹ đây là một trong 4 bảo vật quốc gia và là máy bay do trung tướng Phạm Tuân lái bắn rơi B52 của đế quốc Mỹ đêm 27-12-1972. Tương tự, khi đến khu vực trưng bày xe tăng T54B mang số hiệu 843, câu chuyện về chiếc xe tăng của Quân đoàn 2 trước đây húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập” - trung tá Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Trung tá NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG cho hay, để hiện vật “biết nói”, 15 cán bộ, thuyết minh viên của Phòng Tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng luôn học hỏi, nâng cao kiến thức mọi mặt để thuyết phục người xem, người nghe… Chỉ sau hơn 1 tháng mở cửa, Bảo tàng đã thu hút gần 40 vạn lượt khách tới tham quan.
Du khách cũng có thể đến tổ hợp “Hà Nội mùa Đông 1946” để tìm hiểu rõ hơn sự anh dũng, kiên cường của quân dân thủ đô trong 60 ngày đêm lịch sử và hình ảnh đồng chí Trần Thành - người ôm bom 3 càng lao vào xe của địch khẳng định phương châm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tổ hợp trưng bày về “Đường Trường Sơn” - tuyến huyết mạch vận tải chiến lược trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ… cũng được thể hiện chi tiết trong mã quét và tóm tắt trong bảng giới thiệu tiếng Việt, tiếng Anh, giúp du khách thuận tiện tìm hiểu.
Kết hợp với hình ảnh, hiện vật là những video ngắn giới thiệu từng giai đoạn hào hùng của lịch sử dựng nước, giữ nước giúp du khách tham quan thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc, về truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông. Qua đó, còn nhân lên niềm tin, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm học tập, lao động sản xuất, thực hiện tốt các nhiệm vụ ngày nay.
Đứng trước những hiện vật “biết nói”, thượng tá Trần Văn Huệ, 78 tuổi, ngụ Thành phố Hà Nội xúc động nói: “Đến Bảo tàng, tôi nhớ đồng đội từng cùng tôi chiến đấu tại các chiến trường B, C. Trong đó, có nhiều đồng chí không trở lại sau ngày giải phóng. Thăm bảo tàng, nhớ lại ký ức của một thời khói lửa tôi thấy thật tự hào và hạnh phúc hơn khi thế hệ ngày nay biết hướng về cội nguồn, hướng về truyền thống”.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin