Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh tình trạng 'không quản được thì cấm' đối với dạy thêm, học thêm

Thanh Hải
10:26, 20/11/2024

Sáng 20-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Nhà giáo.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội Media

Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.

Cần có cơ chế quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm

Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu. Ảnh: CTV

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về dự án luật này cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH. 

Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho hay, tại phiên thảo luận tổ ngày 9-11 còn nhiều nội dung trong dự thảo luật được các vị ĐBQH đóng góp ý kiến xây dựng để Luật Nhà giáo được hoàn thiện hơn như tại điểm c, khoản 2, Điều 11 về các hành vi bị nghiêm cấm có ghi: “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật”.

Về nội dung này còn nhiều ý kiến tranh luận của ĐBQH, của mọi tầng lớp nhân dân theo 2 hướng: cho dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ý kiến cấm dạy thêm học thêm. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo sau khi Luật Nhà giáo được thông qua cần phối hợp với các bộ nhất là Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo vì thực ra việc dạy thêm, học thêm cũng có những mặt tích cực, không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm.

Có những phụ huynh vì lý do công việc không thể đón con về buổi trưa để chăm sóc, hay làm tăng ca không thể đón con sớm họ nhờ thầy, cô giáo đón con về chăm sóc, dạy dỗ để cha mẹ an tâm làm việc 9-10 giờ đêm mới đến đón con được. Vì vậy, cần tránh tình trạng “không quản được thì cấm” như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu.

Giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên công tác ở nơi đặc biệt

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 1, Điều 16 về việc tuyển dụng nhà giáo thì phương thức tuyển dụng là thông qua xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải thực hành sư phạm. Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, đây là một ngành đặc thù riêng. Nếu như trong trường đại học sư phạm cần có bộ môn phương pháp, kiến tập và thực tập thì khi thực hành sư phạm cần đầy đủ kỹ năng của một giáo viên đứng lên bục giảng để có thể giảng dạy được.

Tại khoản 2, Điều 30 về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo nên theo hướng như: “nhà giáo công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”. Vì đây là những vùng công tác hết sức khó khăn, vất vả, khi tuổi cao sức yếu rất khó khăn để làm việc.

Đại biểu cũng nêu ý kiến về việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục.

Tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; hoàn thiện chính sách, cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới…

Thanh Hải (ghi)

 

 

Tin xem nhiều