Là nước đa tôn giáo, tín ngưỡng nên Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực này nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên thực tiễn, đại bộ phận tín đồ, chức sắc tôn giáo, người có tín ngưỡng ở Việt Nam đã tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đồng bào Khmer xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang dâng lễ vật tại chùa Ratana Paphia Vararam. Ảnh: TTXVN |
Dù vậy, vẫn có những lời lẽ cho rằng “quan hệ giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội là quan hệ đối kháng, là một mất một còn”. Đây hoàn toàn là những luận điệu bịa đặt, vô căn cứ, lộ rõ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để mê hoặc, lôi kéo, kích động, chia rẽ, phá hoạt khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Quan điểm, chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân để xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm này được khẳng định trong nhiều nghị quyết, văn kiện các kỳ đại hội Đảng.
Nổi bật là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới - văn kiện đổi mới đầu tiên, có tính “đột phá” của Đảng về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo, với 3 quan điểm, nhận thức mới: tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Nghị quyết này đề ra 3 quan điểm chỉ đạo: công tác tôn giáo vừa phải quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa kịp thời đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.
Kế thừa, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc hơn quan điểm trong Nghị quyết số 24 là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Tiếp đó, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời - đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã chuyển quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “quyền công dân” theo Điều 70 của Hiến pháp năm 1992 thành “quyền con người”. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người, là quyền con người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Hiến định như vậy về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách của Nhà nước ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo đã tiệm cận với chính sách và nhận thức chung về tôn giáo của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Những quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo, tín ngưỡng được thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực thi trong thực tế. Đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2013 với 68 điều quy định quyền và nghĩa vụ thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Nhà nước và MTTQ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các chính sách cụ thể đối với tôn giáo, tín ngưỡng; quy định quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo…
Ở Việt Nam chưa từng xảy ra chiến tranh tôn giáo. Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, trong những giai đoạn lịch sử nhất định, bên cạnh tôn giáo chủ lưu, luôn tồn tại loại hình tôn giáo khác và tín ngưỡng dân gian. Trong các chùa, bên cạnh thờ các vị Phật, bồ tát, la hán, còn phối thờ các vị thánh, tiên của Nho giáo, Đạo giáo, các vị thần của tín ngưỡng dân gian như: Thổ địa, Thành hoàng, các Mẫu… Trong gia đình, dòng họ có các thành viên thuộc nhiều tín đồ của các tôn giáo khác nhau cũng là điều thường gặp. Trong cùng làng xã, có thể cùng tồn tại các cơ sở tôn giáo như: chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo, cùng nhiều đình, đền, miếu… của hệ thống tín ngưỡng dân gian.
Đa số chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng hành với dân tộc
Từ quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng; sự chủ động, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó đã góp phần tích cực làm cho tình hình tôn giáo cơ bản ổn định, đa số chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng hành với dân tộc.
Tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8-2024, thông tin chuyên đề “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc nêu rõ: “Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, đảm bảo các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, đoàn kết tôn giáo vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, coi đó là một trong những động lực chủ yếu xây dựng và phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, gắn bó đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.
Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, xây dựng đường lối hành đạo tiến bộ, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đồng hành với dân tộc. Tiêu biểu như Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn xác định truyền thống “hộ pháp, an dân”, “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo Việt Nam xác định đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”; các hội thánh Tin lành khi được công nhận đều xác định “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”…
Ngoài hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, đúng đường hướng đã đề ra, các tổ chức tôn giáo còn đề cử người tham gia các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thể hiện rõ việc “tốt đời, đẹp đạo”. Đáng chú ý là các chức sắc tôn giáo, người có đạo còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết: “Việt Nam là quốc gia có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo vô cùng phong phú và đa dạng. Tính đến hết tháng 12-2023, cả nước có hơn 95% dân số theo tín ngưỡng và tôn giáo, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo với trên 27,7 triệu tín đồ, chiếm trên 27,7% dân số cả nước, trong đó có khoảng 54.500 chức sắc, gần 145 ngàn chức việc, có 29.890 cơ sở thờ tự, có khoảng 51 ngàn cơ sở tín ngưỡng, trong đó có trên 14 ngàn cơ sở đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa…”.
Tất cả thực tiễn sinh động trên là bằng chứng đầy thuyết phục và vững vàng về sự hòa hợp, nhất quán, đoàn kết giữa lương - giáo, giữa đạo và đời, giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội… Mọi luận điệu cho rằng đây là “mối quan hệ đối kháng”, “một mất một còn” đều là bịa đặt nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như con đường cách mạng mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đang vun đắp…
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin