Báo Đồng Nai điện tử
En

70 năm sự kiện tập kết ra Bắc: Từ khát vọng thống nhất đến khát vọng vươn mình của dân tộc

18:18, 17/11/2024

Sự kiện tập kết ra Bắc 70 năm trước chính là hiện thân của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước với mong ước “non sông thu về một mối”, trở thành sức mạnh ý chí, niềm tin lớn lao trong muôn triệu người dân Việt Nam để rồi cả dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hình ảnh Cầu truyền hình kỷ niệm sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Khát vọng đó tiếp tục trở thành mạch nguồn, nuôi dưỡng bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam trong hành trình dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khát vọng thống nhất non sông

Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954) và việc ký kết Hiệp định Genève (21-7-1954) đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kéo dài gần 9 năm, mở ra một thời kỳ lịch sử mới của cách mạng nước ta. Hiệp định Genève quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng 2 bên tập kết, Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ra phía Bắc, quân đội liên hiệp Pháp ở phía Nam.

Theo Hiệp định Genève, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Quy định tính từ ngày 21-7-1954, 35 ngày sau, đến 6h ngày 26-8-1954, lực lượng chuyển quân tập kết xong tại 3 địa điểm nêu trên. Cũng tính từ ngày 21-7-1954, thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là 80 ngày (đến 6h sáng 11-10-1954); thời gian tập kết tại Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười (nay là tỉnh Đồng Tháp) là 100 ngày (đến 6h sáng 30-10-1954) và thời gian tập kết tại Cà Mau là 200 ngày (đến 6h sáng 10-2-1955).

Thực hiện chủ trương “nghiêm chỉnh chấp hành các điều khoản đã ký kết tại Hiệp định Genève”, từ ngày 26-8-1954, các con tàu vận tải mang tên Ác-khăng-ghen, Xta-ze-rô-pôn (của Liên Xô), Ki-lin-ky (của Ba Lan) bắt đầu đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam Bộ ra miền Bắc. Ngày 25-9-1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ðến cuối tháng 10-1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở 2 khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn.

Ngày 8-2-1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc. Ðến đây, việc tập kết chuyển quân ở Nam Bộ được hoàn tất với khoảng 12 vạn bộ đội, cán bộ các ngành ở miền Nam tập kết ra Bắc, đem theo khoảng 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc, khí tài và 236 xe ôtô các loại. Đây là lực lượng rất quý của đồng bào miền Nam gửi ra Bắc để tiếp tục học tập, trau dồi, góp công, góp sức xây dựng miền Bắc vững mạnh và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Cuộc tập kết ra Bắc của 70 năm về trước khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết tâm thống nhất đất nước với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Quá trình tập kết ra Bắc là một sự kiện quân sự mang tầm chiến lược đối với cả 2 miền Nam - Bắc, bởi đây chính là một bước chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, nhằm tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Di tích quốc gia Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại bờ Nam sông Đốc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève thành công, đã nhấn mạnh việc tập kết ra Bắc là: “bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà”. Người đã khẳng định rằng: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”. Trong thư gửi cho các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết Người tiếp tục nhấn mạnh: “Nhân dân ta cần phải cố gắng, nhất là bộ đội ta cần phải cố gắng rất nhiều hơn nữa để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”.

Quyết tâm này của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân miền Nam cụ thể bằng những lời dặn dò con em, chiến sĩ tập kết: “Thấy cờ con nhớ học hành, thấy cờ con nhớ mối tình Bắc, Nam”; hay như nhân dân Cà Mau gửi bộ đội nắm đất ở mũi xa nhất của miền Nam mang ra dâng Hồ Chủ tịch với lời hứa sắc son: “Con ra thưa với Bác Hồ, đất này chỉ cắm một cờ vàng sao”, đồng bào, chiến sĩ tiễn đưa và tặng nhau kỷ vật là quyển sổ tay, chiếc huy hiệu, tấm khăn… để nhắc nhở nhau “đi hay ở đều thực hiện nhiệm vụ”, chờ ngày “Nam-Bắc sum họp một nhà”.

Cuộc tập kết ra Bắc là khởi nguồn cho một hành trình 21 năm dân tộc ta bước vào những năm tháng “cả nước cùng đánh Mỹ” với một khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Chính khát vọng thống nhất đất nước đã tạo nên một thế hệ những con người Việt Nam sống có lý tưởng, sống có niềm tin, sống làm sao để không sống hòai sống phí những năm tháng tuổi trẻ đúng như tinh thần của Pa-ven Ca-rơ-sa-gin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn N.A-xtơ-rốp-xki. Đó là những con người sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ đã sống, lao động và chiến đấu với tinh thần “nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự chương trình. Ảnh: TTXVN

Những phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, từ hậu phương miền Bắc đến tiền tuyến miền Nam như: “gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ 3 nhất, trống Bắc Lý”, thanh niên với “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”, trí thức với “3 quyết tâm”, nông dân với tay cày, tay súng”, công nhân “tay búa, tay súng”… phấn đấu thực hiện với tinh thần “mỗi người làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt” để đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào “dũng sĩ diệt Mỹ”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “bám đất, giữ làng”, “một tấc không đi, một li không dời”, “giết giặc lập công”...

Dưới sự lãnh đạo tài tình sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã được huy động tới mức cao nhất, quân dân Việt Nam lần lượt từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh của khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước, sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ và phẩm giá Việt Nam đã đập tan sự xâm lược của những đạo quân viễn chinh hùng mạnh.

Khi nói về nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, R. Mắc Na-ma-ra - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” đã thừa nhận người Mỹ không hiểu hết sức mạnh tinh thần dân tộc, không hiểu hết khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Khát vọng vươn mình trong thế kỷ XXI

Cuộc tập kết ra Bắc 70 năm trước là hiện thân cho khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại sâu sắc, trở thành mạch nguồn, nuôi dưỡng bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam trong hành trình dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Đại hội XIII chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Việc giữ vững độc lập, tự chủ, khơi dậy và phát huy ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thể nói là điểm mấu chốt quan trọng và cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam “cất cánh”. Đảng đã gắn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa bởi lẽ chủ nghĩa xã hội là chế độ tốt nhất mang lại hạnh phúc cho mọi người. Hạnh phúc ấy do chính con người tạo dựng với sự lãnh đạo, định hướng của Đảng cộng sản Việt Nam. Hạnh phúc ấy bắt đầu từ những mục tiêu căn bản nhất, mọi người đều thoát cảnh đói nghèo, được ăn, ở, học hành, có đời sống văn hóa vật chất, tinh thần tốt đẹp, lành mạnh. Từ hạnh phúc căn bản đó mà tạo ra từng gia đình hạnh phúc, nhân rộng thành cộng đồng hạnh phúc, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Triển lãm tư liệu, hình ảnh về liên quan đến Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954. Ảnh: TTXVN

Khát vọng đó của Đảng cũng chính là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam và được tạo dựng trên những nền tảng quan trọng, đó chính là những “kỳ tích” mà dân tộc ta đạt được dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng: từ một dân tộc nô lệ trở thành dân tộc độc lập, tự do; từ một nước nghèo trở thành một đất nước phát triển, từ một nước bị bao vây, cấm vận trở thành một đất nước có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Việt Nam trải qua hơn 35 năm đổi mới đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên Hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực, đặc biệt, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia cường quốc, trong đó có 4 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Từ những kết quả đạt được, có thể thấy, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên thứ 3- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (tiếp sau kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975), kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975-2025), được cụ thể hoá qua những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đảng hôm nay là người khởi xướng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta vừa khát khao phát triển quốc gia thịnh vượng trong kỷ nguyên mới để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đồng thời phải nhìn rõ cục diện và xu thế của thời đại ẩn chứa nhiều khó khăn, thử thách như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra: “nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh. Do đó, cần chủ động, nỗ lực đưa đất nước phát triển bền vững và thực chất hơn”.

Mỗi địa phương, cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của chính mình trước thời cuộc; trước cơ hội kèm thách thức của đất nước; xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, một lý tưởng, hoài bảo và tinh thần dân tộc để xây dựng đất nước được phồn vinh, nhân dân được hạnh phúc như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương, nếu là chim hãy là chim bồ câu trắng, nếu là đá hãy là đá kim cương, nếu là người hãy là người Cộng sản… vì đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hòai, sống phí, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta đã có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân”. Mỗi đảng viên, cán bộ phải sẵn sàng tâm thế, khí thế, quyết tâm mới để triệu người như một đồng lòng, tự tin tuyên bố: Việt Nam chính thức bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Việt Nam có thể làm được tất cả - không có gì là không thể.

                                             Tiến sĩ Ngô Minh Vương (Trường chính trị tỉnh Đồng Nai)

Tin xem nhiều